dd/mm/yyyy

Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh Phù Yên

Hội cựu chiến binh (CCB) và các hội viên ở huyện Phù Yên (Sơn La) có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, xóa nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh Phù Yên - Ảnh 1.

Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò nhiều hội viên CCB huyện Phù Yên đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: Mùa Xuân.

Cựu chiến binh chọn chăn nuôi gia súc làm giải pháp xoá nghèo

 Đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò của Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Tư, bản Lìn, xã Gia Phù. Trò chuyện với ông Tư, chúng tôi được biết, năm 1984, sau khi hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ trở về địa phương, với bản tính cần cù, chịu khó, đầu năm 2001, ông Tư đầu tư xây dựng chuồng trại hơn 350 m² và mua trâu, bò về nuôi vỗ béo.

Để có nguồn thức ăn cho gia súc, ông đã chuyển 3 ha đất trồng lúa, ngô, sắn sang trồng cỏ voi VA06. Hiện gia đình ông có hơn 80 con trâu, bò, trong đó, trên 40 con trâu, bò được  nuôi nhốt vỗ béo, số còn lại ông cho các hộ nuôi giẽ vừa tạo giống, vừa giúp các hộ dân có giống nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Tư chia sẻ: Nuôi bò vỗ béo từ 3 tháng trở lên là có thể xuất bán, mỗi năm gia đình tôi bán từ 30 - 40 con trâu, bò, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh Phù Yên - Ảnh 2.

Trồng cỏ voi VA06 để chăn nuôi đại gia súc theo hướng nhốt chuồng đang là một trong những hướng đi thiết thực được những CCB huyện Phù Yên lựa chọn. Ảnh: Mùa Xuân.

Cựu chiến binh chọn cách làm giàu phù hợp với gia đình

Còn CCB Đinh Văn Ửng, bản Vường, xã Tân Lang lại lựa chọn mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng rừng.

Ông Ửng, tâm sự: Năm 1982, rời quân ngũ trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên những năm đầu gặp không ít khó khăn. Năm 2016, tôi quyết định chuyển 5 ha keo sang trồng cây quế và đầu tư chăn nuôi. Hiện, gia đình tôi có 5 ha quế, năm nay bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/ha.

Ngoài trồng rừng, ông Ửng chăn nuôi 16 con trâu; hơn 20 con lợn thịt; mỗi năm gia đình ông xuất bán 10 con trâu, gần 2 tấn thịt lợn hơi ra thị trường, thu về trên 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Ửng còn trồng 2,5 ha cây ăn quả gồm táo, bưởi, xoài....

Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh Phù Yên - Ảnh 3.

Nhiều CCB trên địa bàn huyện Phù Yên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Mùa Xuân.

Hội CCB huyện Phù Yên hiện có hơn 5.400 hội viên, sinh hoạt ở 202 chi hội. Hằng năm, Hội CCB huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức cho cán bộ hội viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế ở các địa phương khác, như mô hình nuôi cá lồng, nuôi thỏ; trồng cây ăn quả; trồng và chăm sóc bảo vệ rừng... 

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tạo điều kiện cho các hội viên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, Hội chỉ đạo các cơ sở hội thường xuyên bám sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên chi hội để có hướng đi mới trong việc xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh Phù Yên - Ảnh 4.

Mô hình nuôi cá ao của CCB Mùi Văn Lý, xã Gia Phù (Phù Yên). Ảnh: Mùa Xuân.

Hội luôn đồng hành cùng cựu chiến binh xoá nghèo - làm giàu

 Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, Hội CCB đã nhận ủy thác với Phòng Ngân hàng CSXH huyện cho hơn 3.000 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 118,1 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề.

Cùng với đó, hội viên các cấp Hội đã tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ được hơn 3 tỷ đồng, cho hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, Hội CCB huyện duy trì 181 mô hình kinh tế do CCB làm chủ, như mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn và gia cầm; mô hình nuôi cá lồng; trồng cây ăn quả có múi.

Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng 5,7 ha rau màu tại chi hội bản Lềm, xã Huy Tân; chăm sóc bảo vệ rừng 500 ha tại xã Huy Hạ, Mường Do; 2 mô hình hợp xã trồng cam Mường Thải và Mường Tấc, Huy Hạ....

Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh Phù Yên - Ảnh 5.

Mô hình phát triển trồng cây ăn quả của hội viên CCB xã Gia Phù mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ các mô hình kinh tế này, các hội viên CCB đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày càng được nâng lên.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hội CCB huyện còn phát động phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho hội viên CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã huy động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng với nguồn đóng góp của các hội viên được gần 470 triệu đồng xóa 13 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên.

Phát huy truyền thống  “Bộ đội cụ Hồ”, những CCB  huyện Phù Yên hôm nay đã và đang tiếp tục phấn đấu trở thành những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng  giàu đẹp.


Mùa Xuân