Phát huy lợi thế sản xuất của vùng Nông thôn Tây Bắc
Năm nay, như nhiều địa bàn khác ở vùng Nông thôn Tây Bắc, huyện Phù Yên (Sơn La) cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời trong sản xuất, cũng xuất hiện dịch bệnh, gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi... Song huyện Phù Yên đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, giúp người dân ổn định và nâng cao thu nhập.
Theo đó, trong năm tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trên địa bàn huyện hơn 24.200 ha, sản lượng đạt trên 68.200 tấn (tăng 2,8% so với năm 2020). Duy trì hơn 2.660 ha cây ăn các loại như cam, quýt, bưởi, chanh leo, nhãn…, sản lượng đạt 13.500 tấn quả/năm. Chăm sóc hơn 300 ha cây chè, với sản lượng đạt hơn 1.400 tấn/năm…
Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa được chú trọng, với tổng đàn gia súc trên 100.000 con, gia cầm hơn 840.000 con (tăng 2,4%). Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã vận động người dân trồng hơn 1.000 ha cỏ làm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc.
Phát huy lợi thế về mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình và các hồ thuỷ lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng, đánh thủy sản. Hiện, toàn huyện có gần 600 lồng cá, 195 ha ao cá, sản lượng thuỷ sản nuôi và đánh bắt đạt hơn 1.100 tấn/năm.
Ngay từ những ngày đầu năm, huyện Phù Yên đã tập trung quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế. Nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuyên truyền, phổ biến tới các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đổi mới phương pháp và cách thức tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân về phát triển cây ăn quả bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2021, huyện Phù Yên đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 275 lớp tập huấn, hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thu hút hơn 11.700 lượt người tham gia.
Thường xuyên rà soát, hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác; triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các hợp tác xã; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hợp tác, liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện huyện đã xây dựng được 8 sản phẩm OCOP và được tỉnh công nhận, 2 sản phẩm đạt 4 sao (cao An Xoa, tinh dầu sả Như Ý); 4 sản phẩm đạt 3 sao (miến dong, quýt ngọt Nghĩa Hưng, nước cốt chanh leo, chè Mường Do), góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương...
Đưa tiến bộ sản xuất về với người dân Nông thôn Tây Bắc
Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển sản xuất, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, các xã tổ chức khảo sát, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Trong năm, huyện đã triển khai trồng mới 73 ha chanh leo và được Trung tâm DOVECO Sơn La ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích 55 ha tại xã Mường Do.
Hoàn thành phương án hỗ trợ thực hiện mô hình cải tạo chất lượng đất, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với 935 chai chế phẩm sinh học, hơn 200 tấn phân bón Quế Lâm cho các xã Tường Phù, Huy Thượng, Huy Hạ, Huy Tường, Huy Bắc.
Hỗ trợ xây dựng 2 nhà màng ứng dụng công nghệ cao để trồng rau, củ, quả hữu cơ trái vụ, với quy mô 1.000 m2/màng tại HTX Đồng Tiến (xã Mường Do), HTX dịch vụ nông nghiệp Bích Hà (xã Huy Tân), hiện đang triển khai đầu tư.
Thực hiện mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ tại xã Tân Lang, Mường Thải, với diện tích 2 ha từ nguồn vốn Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La hỗ trợ.
Ông Cầm Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân ở các xã giảm dần diện tích cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, khôi phục, cải tạo diện tích chè Shan Tuyết hiện có, duy trì diện tích cây dược liệu…
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế các xã vùng Mường phát triển vùng cây ăn quả gắn với chuỗi giá trị, phấn đấu cây ăn quả đạt gần 2.800 ha; tập trung thâm canh lúa nước theo hướng canh tác lúa hữu cơ.
Các xã vùng lòng hồ sông Đà thành lập các hợp tác xã nuôi thủy sản, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả; các xã vùng cao, trồng rừng, bảo vệ rừng, khai hoang ruộng nước, phát triển chăn nuôi đại gia súc...