Clip: Những nông dân vượt khó làm giàu
Những nông dân xoay sở thoát nghèo
Cách đây hơn chục năm, như nhiều hộ trong bản, dù xoay xở với đủ các mô hình kinh tế nhưng cuộc sống của gia đình anh, Lò Văn Xuân, bản Bó Hặc (Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La) cũng chẳng khấm khá là bao. Trăn trở mãi, anh Xuân bàn với gia đình quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế.
Nhận thấy điều kiện của gia đình có nguồn đất đồi rộng có thể trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc, từ năm 2017, gia đình anh Xuân đã dùng một phần diện tích vườn đồi của gia đình để trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo.
Khi diện tích trồng cỏ đã đạt gần 1 ha, gia đình anh Xuân với số vốn tích cóp của gia đình mua 4 con trâu giống và xây dựng chuồng trại. Sau hơn một năm, nhờ được chăm sóc tốt, 4 con trâu của gia đình anh đã bán được hơn 100 triệu đồng.
Thấy chăn nuôi trâu có lãi, từ số tiền bán trâu có được, anh Xuân tiếp tục đầu tư mua trâu giống về nuôi. Cứ như vậy, mô hình chăn nuôi trâu theo hướng trang trại gắn với trồng cỏ của gia đình anh Xuân không ngừng được mở rộng. Bắt đầu từ năm 2019 đến nay, trong trang trại của gia đình anh duy trì từ 15 đến 20 con trâu nuôi vỗ béo để xuất bán ra thị trường.
"Trong một năm, gia đình tôi bán trâu thành 3 đợt. Mỗi đợt bán từ 6-7 con trâu đã vỗ béo. Bình quân mỗi con bán được từ 40- 45 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng", anh Xuân nói.
Khác với anh Xuân, gia đình ông Dương Văn Thịnh, Tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) phát triển kinh tế với mô hình cây ăn quả. ông Thịnh chia sẻ: Trước đây, thu nhập của gia đình chỉ trông vào cây ngô, cây sắn kinh tế gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, với diện tích hơn 2 ha đất bằng cùng với số vốn vay từ ngân hàng CSXH gia đình ông đã đầu tư khoan giếng lấy nước tưới, phát triển các loại cây ăn quả như: mít, na và cây xoài.
Nhờ đi đúng hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích cây ăn quả gia đình ông Thịnh cho năng suất và chất lượng cao. Trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/năm.
"Việc chăm sóc cây ăn quả để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, người nông dân phải chăm sóc theo một quy trình chặt chẽ. Bây giờ bà con chúng tôi không phun thuốc diệt cỏ, chỉ dùng máy phát làm cỏ cho cây, có nhật ký ghi rõ thời điểm bón phân, phun thuốc để theo dõi", ông Thịnh nói.
Nhiều nông dân có cách làm giàu hiệu quả bền vững
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, cho biết: Hiện nay, Hội nông dân huyện Mai Sơn có 403 chi Hội cơ sở với trên 19.500 hội viên. Cuộc sống của hội viên ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện còn giảm theo từng năm.
Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững" được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện chú trọng triển khai phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện và tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của hội viên nông dân đã tạo nên sức mạnh đoàn kết. Qua đó, xây dựng được nhiều mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.
"Hội đã hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…, kỹ thuật canh tác và nuôi con giống mới. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ phân bón trả chậm cho hội viên", ông Kiên nói