dd/mm/yyyy

Hội viên Hội Nông dân Sơn La: Trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi, lãi trăm triệu mỗi năm

Nhờ chịu khó nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, lão nông Sơn La có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm chỉ với 6.000m2 đất trồng thanh long ruột đỏ.

Clip: Trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi, lãi trăm triệu mỗi năm

Nâng cao thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ

 Theo chân cán bộ Hội nông dân xã Chiềng Hắc chúng tôi đến thăm mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La). Đây là một trong những mô hình đêm lại hiệu quả kinh tế cao có tiếng tại vùng đất này.

Đôi bàn tay nhanh nhẹn, thoăn thoắt với chiếc cuốc vun xới cho những gốc thanh long của gia đình, thấy khách, ông Lâm dừng tay, tâm sự: Chiềng Hắc là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế, nhiều năm trở lại đây nhiều hộ gia đình trong xã đã tập chung chuyển đổi cây trồng vật nuôi, trong đó đặc biệt phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

"Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản chỉ trồng cây ngô, cây sắn trên nương. Sau khi được đi học hỏi nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, được địa phương tuyên truyền, gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu", ông Lâm nói.

Nông thôn Tây Bắc: Trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi, lãi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Từ việc trồng thanh long, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) có thu nhập ổn định. (Ảnh: Văn Ngọc)

Với diện tích 6.000m2 đất, gia đình ông tiến hành trồng trên 500 trụ thanh long ruột đỏ, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón... Nhờ vậy toàn bộ sản phẩm thanh long của gia đình ông Lâm được các thương lái đến tận vườn thu mua.

"Năm vừa rồi gia đình tôi thu về khoảng 15 tấn quả, được thương lái thu mua toàn bộ với giá từ 12.000 -15.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về trên 150 triệu đồng. Gia đình sản xuất an toàn nên yên tâm về đầu ra", ông Lâm nói.

Nông thôn Tây Bắc: Trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi, lãi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Toàn bộ những nhánh thừa của trụ thanh long được ông Lâm cắt ra, băm nhỏ và vun vào gốc để làm phân cho cây. (Ảnh: Văn Ngọc)

Chia sẻ bí quyết tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, được nhiều người tin dùng, ông Lâm cho biết: Biện pháp trồng, chăm sóc thanh long phải được thực hiện đúng quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn... 

Ông Lâm cũng áp dụng quy tắc "4 đúng" trong sử thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP...

Bí quyết trồng thanh long thu nhập cao

Cũng theo ông Lâm: Toàn bộ phân bón cho diện tích thanh long của gia đình ông vào các thời điểm đều là phân chuồng đã được ủ hoai mục, lá cây. Nhờ đó, cây thanh long ruột đỏ cho quả to, phát triển đồng đều, mẫu mã đẹp, vị ngọt dịu, được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng.

"Thanh long là loại cây trồng ưa khí hậu nắng nóng, địa hình vùng đất dốc, róc nước. Mỗi trụ bê tông nên trồng 4 gốc thanh long. Khi cây ra hoa nên để mỗi nhánh tối đa 2 quả; mỗi gốc không quá 10 quả. Thời gian từ lúc ra nụ hoa đến lúc quả chín cho thu hoạch là 50 ngày. Quả thanh long lúc chín to, đẹp, trung bình đạt 800 gram".

Nông thôn Tây Bắc: Trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi, lãi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Các bước sản xuất thanh long đều phải tuân thủ khắt khe từ trồng đến thu hái. (Ảnh: Văn Ngọc)

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: Hiện này trên địa bàn xã có trên 120ha cây ăn quả, trong đó diện tích trồng thanh long là hơn 5 ha. Đây là nguồn lợi kinh tế không nhỏ của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Hội Nông dân xã đặc biệt chú trọng hướng dẫn nông dân tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trong việc thực hiện các mô hình, cung ứng vật tư cần thiết để thực hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Nông thôn Tây Bắc: Trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi, lãi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 5.

Những năm trở lại đây, việc phát triển cây ăn quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Chiềng Hắc. (Ảnh: Văn Ngọc).

"Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Văn Lâm cho thu nhập cao và ổn định nên nhiều người trên địa bàn xã cũng học tập. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ thành lập Tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ ấp để xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển và nhân rộng mô hình ", ông Lực nói.


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh