dd/mm/yyyy

Nông dân cao nguyên Mộc Châu phát triển vùng rau an toàn

Cao nguyên bằng phẳng, khí hậu mát mẻ... là lợi thế để nông dân xã Mường Sang (Mộc Châu, Sơn La), phát triển rau an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Clip: Mô hình trồng rau an toàn ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Những mô hình rau an toàn xanh ngon mướt mắt

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau của gia đình chị Nguyễn Thị Mật, ở bản An Thái, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu khi chị đang thu hoạch rau bán cho thương lái.

Chị Mật, chia sẻ: Ở đây khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng màu mỡ nên gia đình tôi đã đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động trồng hơn 3.000 m2 rau bắp cải, củ, cải mèo, cải ngồng, dưa chuột...

Nông dân cao nguyên Mộc Châu phát triển vùng rau an toàn - Ảnh 2.

Ngoài trồng bắp cải, cải thảo, bà con nông dân xã Mường Sang còn trồng các loại rau cải dưới tán cây ăn quả. Ảnh: Mùa Xuân.

Với mong muốn cung cấp sản phẩm ra thị trường đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng, năm 2017, gia đình chị Mật tham gia HTX rau an toàn An Tâm để sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Khi tham gia HTX, gia đình chị được cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân xã, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn; được các thành viên trong HTX chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, củ, quả. Nhờ vậy, sản phẩm của gia đình chị Mật đã tạo dựng được uy tín trên thị trường. Mỗi năm gia đình chị Mật xuất bán được trên 20 tấn rau, củ, quả các loại ra thị trường, thu về hàng trăm triệu đồng.

Nông dân cao nguyên Mộc Châu phát triển vùng rau an toàn - Ảnh 3.

Thành viên HTX Lộc Thành, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu thu hoạch rau cải thảo. Ảnh: Tuệ Linh.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc HTX An Tâm, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, thông tin: HTX An Tâm thành lập năm 2016, sau 6 năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX đã có 48 thành viên, với tổng diện tích trồng rau an toàn 11 ha trong đó có 8 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã liên kết cùng các hộ nông dân địa phương sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra những sản phẩm rau sạch, chất lượng cao.

Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng rau an toàn của HTX đạt gần 300 tấn rau củ, quả các loại, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Hà Nội, Hòa Bình… Tất cả các loại rau của HTX An Tâm đều được sản xuất theo hướng an toàn, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục đã được xử lý vi sinh.

Nông dân cao nguyên Mộc Châu phát triển vùng rau an toàn - Ảnh 4.

Nông dân xã Mường Sang, huyện Mộc Châu chăm sóc vườn rau. Ảnh: Mùa Xuân.

Kinh tế hộ bứt phá nhờ rau an toàn

Trước đây, người dân xã Mường Sang chủ yếu trồng lúa nước, trồng rau tập trung vào vụ đông nhưng chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, ít quan tâm đến nhu cầu thị trường, giá trị kinh tế các sản phẩm không cao.

Khai thác lợi thế diện tích đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, xã Mường Sang đã tổ chức quy hoạch diện tích đất sản xuất ở các bản vùng như: An Thái, Là Ngà 2, Nà Bó 2, Bãi Sậy... để phát triển trồng rau an toàn.

Nông dân cao nguyên Mộc Châu phát triển vùng rau an toàn - Ảnh 5.

hờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây cải thảo theo hướng VietGAP nên đạt năng suất cao, chất lượng tốt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Tuệ Linh.

Gắn bó với nghề trồng rau từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Quân, bản Là Ngà 2, xã Mường Sang, bảo: Gia đình tôi chủ yếu trồng rau bắp cải, cải thảo; cải mèo…, với diện tích khoảng 2,5 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2022, gia đình tôi đã thu được 20 tấn bắp cải, cải mèo, với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg, thu về 100 triệu đồng.

Nông dân cao nguyên Mộc Châu phát triển vùng rau an toàn - Ảnh 6.

Toàn bộ diện tích rau an toàn của hội viên nông dân xã Mường Sang, huyện Mộc Châu được áp dụng hệ thống tưới phun mưa tự động. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lường Văn Tấn, Phó Chủ tịch Nông dân xã Mường Sang, cho biết: Hiện, toàn xã Mường Sang có khoảng hơn 140 ha chuyên canh rau màu, năng suất đạt gần 3.000 tấn/năm, với đa dạng các loại rau có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Bắp cải, cải thảo, đông du, đậu cove, cà chua,...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã chủ động phối hợp tư vấn, hướng dẫn hội viên nông dân và các HTX phát triển sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu, quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nông dân cao nguyên Mộc Châu phát triển vùng rau an toàn - Ảnh 7.

Rau của các thành viên HTX Lộc Thành, xã Mường Sang đến mùa thu hoạch được các thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Ảnh: Mùa Xuân.

Thâm canh tăng vụ, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác; cách sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng ủ bón cho rau; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón cho bà con nông dân... Từ việc trồng rau toàn đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân trên địa bàn xã.


Mùa Xuân - Tuệ Linh