Clip: Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu trên đất Mai Sơn
Thay đổi tư duy sản xuất, nông dân vươn lên làm giàu
Huyện Mai Sơn (Sơn La) có 22/22 cơ sở Hội nông dân với 293 chi hội bản, tiểu khu với 19.752 hội viên. Trong những năm qua, công tác củng cố kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội được thực hiện thường xuyên và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Hội. Để thực hiện tốt các phong trào thi đua, Hội Nông dân huyện luôn xác định Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp hội.
Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, thực sự trở thành phong trào thi đua nòng cốt của các cấp Hội Nông dân. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo ra nhiểu sản phẩm nông sản hàng hóa có chất lượng, tác động tích cực đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của huyện trong những năm qua.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mức, tiểu Khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) được các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện để được đi tham quan, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh lân cận. Mỗi lần đi thực tế là một lần bà Mức học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật quý báu từ những nông dân khác để áp dụng vào phát triển vườn na của gia đình mình. Từ cách trồng, phòng trừ sâu bệnh hay bảo quản sản phẩm, bà Mức đều học hỏi từ những người bạn nông dân sau nhiều lần đi thực tế. Nhờ vậy, diện tích na của gia đình bà đều sinh trưởng tốt.
"Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác cuộc sống khó khăn lắm, chỉ trồng cây ngô, cây sắn trên nương. Sau khi được đi học hỏi nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao do Hội Nông dân tổ chức, tôi đã biết về mô hình phát triển cây ăn quả, gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng na Thái trái vụ. Nhờ trồng na, cuộc sống của gia đình khấm khá hơn. Vườn na của gia đình tôi cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về gần 400 triệu đồng" bà Mức nói.
Hàng nghìn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Trong những năm qua, huyện Mai Sơn La đã chuyển đổi được 9.350 héc ta diện tích trồng cây ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả (Ngô; Lúa nương,...) sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; đến nay, toàn huyện có 11.000 héc ta cây ăn quả, tăng 9.350 héc ta so với năm 2018, chiếm gần 13,1% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, riêng năm 2022 diện tích tăng gần 6.000 héc ta, chủ yếu tập trung vào các cây Na, Dây Tây, Mắc Ca; một số cây ăn quả có quy mô diện tích lớn duy trì ổn định: nhãn, xoài, bưởi, mận, sơn tra (trong đó 917 ha được cấp chứng nhận Vietgap; 1.130,7 ha mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu gồm 11 mã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu; 17 mã xuất khẩu sang Trung Quốc);.
Cùng với cây ăn quả, huyện duy trì ổn định Diện tích cây công nghiệp 17.613 ha, trong đó cây công nghiệp lâu năm 7.513 ha, cây công nghiệp hàng năm 10.100ha, trong đó diện tích Mía hằng năm duy trì đạt 5.600ha, sắn 4.500ha, sản lượng đạt 392.062 tấn. Vận động nông dân trồng mới được 34,8 ha cây mắc ca trồng xen các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, các nhà máy đã có như: 01 Nhà máy Mía đường, 02 Nhà máy tinh bột Sắn, 02 Nhà máy chế biến Cà phê, 1 Nhà máy chế biến rau quả Doveco).
Lĩnh vực chăn nuôi luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả: Tổng đàn (gia súc, gia cầm) hằng năm duy trì ổn định đến nay đạt 1.558.500 con, Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 17.100 tấn đạt 100% kế hoạch. Lĩnh vực lâm nghiệp được quan tâm duy trì việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng từng bước phát huy hiệu quả, kết quả diện tích rừng hiện có 53.604,84 ha; trồng rừng mới tập trung 457,4 ha, đạt 183,0% KH; trồng cây phân tán 91.604 cây, đạt 140,0% KH; tỷ lệ che phủ rừng 42,0% đạt 100% KH, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng hằng năm đề ra đều đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, huyện Mai Sơn đã triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới hoá vào sản xuất. Diện tích cây trồng được tưới chủ động, tưới tiết kiệm là 985,3 ha tại 80 hộ và 20 doanh nghiệp, Hợp tác xã, trong đó, diện tích cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; sử dụng công nghệ bọc quả đối với sản phẩm Xoài, Na, Ổi...
Trên địa bàn huyện diện tích cây ăn quả thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt 3.500 ha Diện tích được tưới chủ động, tưới tiết kiệm 811 ha; 1600 ha cây ăn quả: xoài, bưởi, na,…được bọc quả; diện tích nhà kính, nhà lưới trên 2 ha; diện tích sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, sử dụng vải nông nghiệp chuyên dùng để hạn chế thoát hơi nước, cỏ dại, ứng dụng máy móc trong phòng, trừ bệnh, công nghệ chế biến tiên tiến với 1.087 ha. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Qua thực hiện Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hàng năm và trong đó: Hộ SXKD giỏi cấp Trung ương 212 hộ, Hộ SXKD giỏi cấp tỉnh 2.475 hộ; Hộ SXKD giỏi cấp huyện: 6.270 hộ, Hộ SXKD giỏi cấp xã: 14.133 hộ. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện và tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của hội viên nông dân đã tạo nên sức mạnh đoàn kết. Qua đó, xây dựng được nhiều mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp, tạo nhiều nguồn lực để giúp đỡ các hội viên vươn lên làm giàu từ các mô hình cây ăn quả và chăn nuôi.