Clip: Hỗ trợ nông dân vùng cao Sơn La vươn lên làm giàu
Hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển cây ăn quả
Yên Châu là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên là 85.465,85 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp: 35.164,82 ha, đất lâm nghiệp 44.105,17 ha. Toàn huyện có 15 đơn vị hành chính, trong đó có 14 xã với 169 bản, tiểu khu. Có 19.779 hộ với 83.286 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 10.721 hội viên nông dân sinh hoạt tại 169 chi hội thuộc 15 cơ sở hội, ngành nghề chủ yếu là sản xuất kinh doanh, nông, lâm nghiệp chiếm 88,8 %.
Yên Châu xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm. Địa phương này đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân. Từ huyện miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô trên 70% diện tích đất trồng trọt, Yên Châu đã nhanh chóng trở thành một trong những vựa cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La.
Với gia đình chị Lò Thị Tâm, bản Hượn, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới, sau khi đi thăm quan một số mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc ở một số địa phương khác. Đồng thời, nghiên cứu trên các kênh tivi, mạng internet, sách, báo, cùng với được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân về vốn vay, gia đình chị đã chuyển đổi diện tích trồng cây hoa màu sang trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Tâm chia sẻ: năm 2014 với số vốn tiết kiệm của gia đình, cùng với số tiền vay mượn từ anh em họ hàng, được hội nông dân hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, gia đình chị mua 500 gốc nhãn để nhân rộng diện tích, phát triển kinh tế. Chị Tâm là người đầu tiên đưa giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng tại xã Chiềng Đông. So với các giống nhãn khác như nhãn xuồng, nhãn cùi thì cây nhãn lồng Hưng Yên từ khi trồng đến lúc cho quả có thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng 3 năm. Trong quá trình chăm sóc, chị Tâm nhận thấy cây nhãn lồng Hưng Yên khá phù hợp với thời tiết, khí hậu ở đây.
"Nhờ thực hiện đầy đủ các yếu tố kỹ thuật, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, quả nhãn làm ra đều có thương lại đến tận vườn thu mua, gia đình tôi không phải lo đầu ra. Mỗi vụ nhãn lồng, gia đình tôi thu về hơn 10 tấn, bán với giá 20 - 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chi thu được hơn 150 triệu đồng", chị Tâm nói.
Còn đối với HTX nông nghiệp bản Chủm, xã Chiềng Đông, (Yên Châu, Sơn La), nhiều năm nay được các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền về việc sử dụng bao trái trong sản xuất xoài để nâng cao chất lượng sản phẩm quả và được tham dự lễ ra quân bao trái của huyện tổ chức. Thấy được lợi thế việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tắc, nên HTX đã tuyên truyền cho các thành viên trong HTX để cùng nhau thực hiện.
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp bản Chủm chia sẻ: Hiện HTX có 17 thành viên, để phát triển cây ăn quả bền vững, cho lợi nhuận cao nhất, HTX đã tổ chức họp các thành viên trong HTX triển khai, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác. Nhờ vậy những vườn cây ăn quả của HTX tránh được sâu bệnh, tạo mẫu mã, hàng hóa an toàn chất lượng sản phẩm đầu ra tiêu thụ hơn.
Nông dân Yên Châu phát triển cây ăn quả bền vững
Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Yên Châu (Sơn La) cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng cây ăn quả trên đất dốc có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt trên 11.000 ha gồm các cây ăn quả chính như xoài, nhãn, chuối, mận hậu và một số cây ăn quả khác, phù hợp với danh mục phát triển cây ăn quả của tỉnh. Sản lượng quả năm 2023 ước của huyện ước đạt 90.000 tấn, so với năm 2022 tăng khoảng 20.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 32 HTX sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận VIETGAP với 786,9 ha, quản lý 67 mã số vùng trồng cây ăn quả với 1.140 ha đủ điều kiện xuất khẩu.
Để thực hiện có hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập Hội Nông dân huyện Yên Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền nông dân đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng. Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng nhiều mô hình điểm trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và liên kết sản xuất, với các giải pháp kỹ thuật của nông dân tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và chăm sóc cây trồng hiệu quả.
Đặc biệt, với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội đã đầu tư triển khai 18 dự án, 148 hộ vay, với số tiền 6.340 tỷ đồng, cho vay tại 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chủ yếu cho vay các dự án trồng và chăm sóc cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò sinh sản, hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát huy được được hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, đã nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác của nông dân huyện đạt 51 triệu đồng/ha năm 2022, tăng 5,5 triệu đồng so năm 2018.
Thời gian tới, để giúp các hội viên nông dân nâng cao thu nhập, huyện Yên Châu sẽ tập chung hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn đã nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết giá trị bền vững. Thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn chính sách.
Có thể thấy, việc phát huy những kết quả đạt được từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã góp phần thúc đẩy, phát triển, các loại cây ăn quả chủ lực của huyện Yên Châu. Đến nay, trên địa bàn huyện đã cơ bản đã hình thành rõ vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết quả hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, giai đoạn 2018 - 2023 là 1.436 hộ.