Clip: Nông dân Mộc Châu hưởng lợi từ liên kết 4 nhà trong sản xuất sữa
Nông dân thu nhập cao từ liên kết sản xuất
Nhiều năm qua, Mộc Châu Milk (Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn lựa chọn mô hình nông hộ bền vững với liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học. Mô hình liên kết bền chặt này đã góp phần đảm bảo đời sống ấm no cho hàng trăm hộ dân chăn nuôi bò sữa, tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân trên vùng cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).
Gia đình ông Trần Đình Ba tại Đội chăn nuôi 77 (Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã có 20 năm trong nghề chăn nuôi bò sữa. Với 4 ha đất nhận khoán, gia đình ông hiện có 102 bò bê trong đó có 40 con đang cho sữa.
Ông Ba chia sẻ: Trong chăn nuôi, gia đình tôi áp dụng các tiến bộ khoa học theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc chăn nuôi theo phương pháp này không chi cho những giót sữa chất lượng cao mà con giúp gia đình nâng cao thu nhập. Mỗi tháng thu về trên 300 triệu đồng từ bán sữa cho công ty.
Hiện nay, trong tổng số gần 600 hộ liên kết nuôi bò sữa ở Mộc Châu, bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 50 con bò sữa, trong đó hộ nuôi nhiều nhất hơn 250 con. Nhiều hộ đã có trên 300 tấn sữa tươi/năm bán cho công ty, có hộ đã đạt trên 800 tấn/năm. Nhờ bò sữa, hàng nghìn nông dân Mộc Châu đã thoát nghèo, không ít người trở thành "tỷ phú" chăn bò với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Họ từng bước giúp thảo nguyên Mộc Châu trở thành vùng nguyên liệu sữa tươi lớn và chất lượng nhất toàn miền Bắc.
Mộc Châu Milk (Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu) đóng vai trò trung tâm đào tạo kỹ thuật và chuyển giao công nghệ khoa học cho người nông dân, giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến để ứng dụng vào chăn nuôi. Toàn bộ các hộ nông hộ của Mộc Châu Milk đều đạt tiêu chuẩn VietGap, áp dụng công nghệ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn châu Âu với máy vắt sữa, khẩu phần thức ăn cho bò đạt chuẩn dinh dưỡng với thức ăn TMR, cỏ Alfalfa Mỹ, thức ăn tinh, cỏ tươi, hệ thống xử lý chất thải tự động không gây ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Quyết, Kỹ sư chăn nuôi, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Sơn La cho biết: Chúng tôi thường xuyên xuống các hộ chăn nuôi, hướng dân các hộ áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra nguồn sữa sạch, an toàn, đáp ứng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật những phương pháp chăn nuôi hiệu quả cho bà con nông dân, từ nguồn thức ăn, quy trình chăm sóc, đến việc xử lý môi trường. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng nguồn sữa tươi, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường gắn với du lịch.
Nông dân liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm sữa tươi tốt nhất
Ông Phạm Hải Nam, Tổng GĐ Công ty CP GIống bò sữa Mộc Châu, Sơn La thông tin: Nguồn sữa tươi nguyên liệu sau khi thu được từ các trang trại sẽ được chuyển về nhà máy. Tại đây, sữa tươi được đưa vào sản xuất trên dây chuyền tự động hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu của Tetra Pak (Thụy Điển), đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất như ISO 9001:2015, FSSC 22000… Nhờ vậy, các sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, giữ trọn dinh dưỡng và hương vị thơm ngon thuần khiết của sữa tươi nguyên chất.
Đặc biệt, hàng năm Công ty đã tổ chức Hội thi hoa hậu bò sữa nhằm tôn vinh những người chăn nuôi bò sữa và khẳng định sự gắn kết 4 nhà trong chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu. Đây thực sự trở thành ngày hội lớn đối với người chăn nuôi, là nơi để họ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu với du khách về miền đất thảo nguyên trù phú rất thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa.
Có thể khẳng định, việc lựa chọn mô hình nông hộ và đồng hành cùng nông dân chính là chiến lược nông nghiệp bền vững được Mộc Châu Milk triển khai từ nhiều năm nay. Nhờ bàn tay cần cù chăm chỉ của người nông dân cùng với sự kiên định phát triển bền vững của doanh nghiệp, những dòng sữa tươi mát lành thuần khiết từ thảo nguyên xanh đã và đang được trao tận tay hàng triệu gia đình Việt Nam.
Mộc Châu Milk đang tiếp tục phát huy những thành công của mô hình liên kết nông hộ, hỗ trợ bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đưa Mộc Châu trở thành "thủ phủ" bò sữa công nghệ cao của Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2025.