Clip: Nhiều hoạt động phối hợp giữa HND Sơn La và HND Hưng Yên
Hội Nông dân 2 tỉnh, triển khai nhiều chương trình
Thực hiện Chương trình phối hợp số 06, ngày 08/03/2024 giữa Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên và Hội Nông dân tỉnh Sơn La. Trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân 2 tỉnh đã tập trung phối hợp, hợp tác thông tin, tuyên truyền về kinh nghiệm tổ chức phong trào nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Hội Nông dân Việt Nam và của địa phương về phát triển nông nghiệp, các cơ chế, chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phối hợp đăng tải tin, bài trên bản tin công tác Hội và trang Website của Hội Nông dân 02 tỉnh Sơn La và Hưng Yên tuyên truyền về thị trường, giá cả, các gương điển hình tiên tiến, gương nông dân làm kinh tế giỏi; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nông sản, kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao.
Thường xuyên trao đổi tư vấn, hỗ trợ liên kết xây dựng mô hình kinh tế tập thể theo hình thức Hợp tác xã kiểu mới, Tổ hợp tác, chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp của nông dân tỉnh Hưng Yên và nông dân tỉnh Sơn La; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ có hiệu quả và có khả năng nhân rộng ở các địa phương. Tư vấn, hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp đầu tư liên kết góp vốn... phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân. Chia sẻ kinh nghiệm trong hỗ trợ đầu tư cho HTX, Tổ hợp tác, chi hội, hội viên nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chế biến, bảo quản nông sản hàng hóa mà 2 tỉnh có thế mạnh hoặc kêu gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư.
Tổ chức vận động các doanh nghiệp đồng hành cùng với hội viên, nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của mỗi địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên với Hội Nông dân tỉnh Sơn La.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập chung trao đổi, thao luận các nội dung về công tác tổ chức và phát triển hội nông dân; triển khai có hiệu quả các nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân; những cách làm hay trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển các loại cây trồng chủ lực, cây ăn quả trên đất dốc, phát triển chăn nuôi đại đàn giá sức cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt 2 bên đã cùng nhau trao đổi về công tác quản lý, sử dụng hiệu quả qúy hỗ trợ nông dân; quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.
Ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp, 2 bên cần đẩy mạnh hơn nữa các nội dung phối hợp: trao đổi tư vấn, hỗ trợ liên kết xây dựng mô hình kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ có hiệu quả và có khả năng nhân rộng ở các địa phương. Tư vấn, hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp đầu tư liên kết góp vốn... phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân.
Phối hợp với các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm tư vấn, trang bị thêm kiến thức cho hội viên, nông dân về Hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu trí tuệ, quảng bá các sản phẩm do Hội Nông dân các cấp làm chủ sở hữu. Tổ chức và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Xây dựng Hội Nông dân các cấp ngày càng vững mạnh
Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã trao đổi với đoàn công tác của Hội nông dân tỉnh Hưng Yên về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và tổ chức Hội Nông dân tỉnh Sơn La: Toàn tỉnh có 12 huyện, thành phố, với 204 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 364.731 ha, trong đó diện tích cây ăn quả chiếm trên 80 nghìn ha, lớn thứ 2 trong cả nước.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh, đến nay, Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại trên 84.000 ha, sản lượng khoảng 455.000 tấn/năm. Là vùng nông sản của Sơn La nằm trong số những tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung toàn tỉnh có 73 cơ sở sản xuất cây ăn quả được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP. Hiện nay tỉnh vẫn duy trì 218 mã số vùng trồng, diện tích 3.151 ha cây ăn quả. Tổng đàn đại gia súc hiện có 342.283 con. Toàn tỉnh đã có 65 xã đạt chuẩn NTM, 08 xã NTM nâng cao.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, qua hội nghị lần này, mong muốn 2 bên trao đổi, học tập cách thức, tổ chức triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản gắn với bảo vệ sinh thái môi trường; Trao đổi, nghiên cứu phương pháp tuyên truyền, vận động chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến bảo quản các sản phẩm nông nghiệp;
Tổ chức hướng dẫn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, giới thiệu quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hội viên, nông dân; Trao đổi kinh nghiệm về tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã, chi hội nông dân nghề nghiệp. Học tập công tác quản lý hoạt động, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; Học tập kinh nghiệm về công tác quản lý, hoạt động, phát triển Trung tâm Hỗ trợ nông dân.
Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp, Hội Nông dân 02 tỉnh sẽ: Tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các cơ chế, chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trao đổi, chia sẻ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, quảng bá nông sản, các gương điển hình tiên tiến trong triển khai các phong trào thi đua.
Làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền trên Bản tin, Website của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố. Tổ chức kết nối trang Fanpage của Hội Nông dân thành phố Hà Nội với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường, kịp thời thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân 02 tỉnh. Phối hợp tổ chức các hoạt động hợp tác xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, kinh tế tập thể và trang trại. Trao đổi thông tin, học tập chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, thực hiện các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp; công tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp để phát triển bền vững...
Tiếp tục phối hợp giúp nông dân xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản hàng hóa, quảng bá sản phẩm nông sản và tổ chức liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Giới thiệu các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường tại các địa phương. Phát huy vai trò, tích cực tham gia có hiệu quả với các sở, ngành của 02 tỉnh trong công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản. Chia sẻ, giới thiệu các công ty, doanh nghiệp có uy tín cung ứng cây giống, vật tư, máy móc thiết bị nông nghiệp đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý cho hội viên, nông dân.