dd/mm/yyyy

Nhãn T6 mang niềm vui cho nông dân miền biên viễn

Việc chuyển đổi giống nhãn truyền thống sang giống nhãn T6 chín sớm trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đang là hướng đi hiệu quả, giúp địa phương phát huy được thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn.

Clip: Nhãn T6 mang niềm vui cho nông dân miền biên viễn

Nhãn T6 nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn

Trong những năm gần đây, cuộc sống của nông dân trồng nhãn tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến đáng mừng. Không còn phải lo lắng về tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như trước đây nữa. Những nỗ lực trong nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, chăm sóc cây trồng và chuyển đổi nhãn chín sớm, vải vụ (giống nhãn T6) đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Nhãn T6 mang niềm vui cho nông dân miền biên viễn- Ảnh 1.

Huyện Sông Mã (Sơn La) hiện có 7.655 ha nhãn, sản lượng trung bình đạt khoảng 60 nghìn tấn/năm. Trong đó có khoảng 900 ha nhãn chín sớm. Ảnh: Nguyễn Vinh

Khác với các giống nhãn truyền thống, nhãn T6 được nông dân trên địa bàn huyện Sông Mã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều khiển ra hoa, đậu quả trước thời vụ. Giống nhãn T6 trên địa bàn huyện Sông Mã được đánh giá là giống nhãn cho quả với hương vị ngọt ngào, cùi dày, hạt nhỏ, mẫu mã đẹp và được nhiều thương lái ở các tỉnh thành tìm đến thu mua để mang đi các chợ đầu mối.

Trao đổi với PV báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho biết: "Giống nhãn T6 mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống nhãn truyền thống. Trước hết, giống nhãn này được nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ, giúp nông dân thu hoạch sớm, từ đó giảm bớt áp lực thời vụ cho nông dân và hạn chế tình trạng cung vượt cầu, đảm bảo giá cả ổn định. Bên cạnh đó, nhãn T6 có chất lượng rất tốt, quả to, cùi dày, hạt nhỏ và vị ngọt thanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều này không chỉ nâng cao giá trị thương phẩm mà còn tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nhãn trên thị trường".

Nhãn T6 mang niềm vui cho nông dân miền biên viễn- Ảnh 2.

Nhãn chín sớm T6 cho quả hương vị ngọt ngào, cùi dày, hạt nhỏ, mẫu mã đẹp. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhãn T6 mang lại niềm vui cho nông dân

Hiện huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có 7.655 ha nhãn, sản lượng trung bình đạt khoảng 60 nghìn tấn/năm. Trong đó có khoảng 900 ha nhãn chín sớm. Tuy diện tích không lớn nhưng hiệu quả kinh tế mà giống nhãn chín sớm mang lại cho người nông dân là không hề nhỏ. Việc mở rộng vùng nhãn chín sớm, rải vụ ở Sông Mã đang là hướng đi hiệu quả, giúp địa phương phát huy được thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà giống nhãn T6 đem lại lớn hơn nhiều lần so với các giống nhãn khác trên địa bàn, nhiều hộ dân ở huyện Sông Mã đã dần chuyển đổi diện tích trồng giống nhãn địa phương, nhãn Miền Thiết sang giống nhãn T6. Việc chuyển đổi này đã giúp nông dân ở huyện Sông Mã tăng thu nhập đáng kể và cải thiện đời sống.

Nhãn T6 mang niềm vui cho nông dân miền biên viễn- Ảnh 3.

Giống nhãn T6 đã cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Với 1ha nhãn nhãn chín sớm T6, gia đình ông Đào Xuân Thích, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La năm nay thu hoạch được 10 tấn quả, với giá bán gần 40.000/1kg, gia đình ông đã thu gần 400 triệu đồng, ông Thích phấn khởi, chia sẻ: "Chuyển đổi diện tích trồng nhãn địa phương sang giống T6, tôi đã tiếp cận với các biện pháp canh tác hiện đại và kỹ thuật chăm sóc cây trồng tiên tiến. Và nhờ có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cùng với các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, đã giúp tôi nắm vững các quy trình canh tác hiệu quả, từ đó đạt được năng suất và chất lượng cao nhất. Năm nay tuy thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài, nhưng có sự chủ động nguồn nước tưới nên diện tích nhãn chín sớm của gia đình tôi đạt năng suất 10 tấn/1 ha và giá nhãn năm nay tại vườn tôi bán trung bình 40.000/1kg, cao gấp 3-4 lần so với nhãn chính vụ".

Cũng giống như ông Thích, ông Mai Văn Cương, Bản H8, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, trước đây gia đình ông chủ yếu trồng các giống nhãn truyền thống, thu nhập từ những vụ nhãn không ổn định. Sau khi nghe về những ưu điểm vượt trội của giống nhãn T6, ông Cương đã quyết định chuyển đổi diện tích trồng nhãn của gia đình sang giống nhãn T6. Đến nay, gia đình ông đã chuyển đổi được 90% diện tích.

Ông Cương cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng các giống nhãn địa phương và nhãn Miền Thiết, thu nhập không ổn định do giá cả thường biến động theo mùa vụ. Từ khi chuyển sang trồng giống nhãn T6, tôi nhận thấy rõ ràng sự khác biệt. Nhãn T6 chín sớm, giúp giảm áp lực thu hoạch và đảm bảo giá cả ổn định hơn, đầu mùa thì tôi đã bán được giá hơn 40.000/1kg. Sắp tới, với diện tích còn lại tôi sẽ chuyển đổi giống nhãn T6".

Nhãn T6 mang niềm vui cho nông dân miền biên viễn- Ảnh 4.

Niềm vui của người trồng nhãn ở huyện Sông Mã (Sơn La). Ảnh Nguyễn Vinh

Với chất lượng vượt trội của quả nhãn T6 chín sớm, nhiều thương lái từ các tỉnh thành khác đã tìm đến huyện Sông Mã để thu mua về các chợ đầu mối, điều đó đã mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người trồng nhãn nơi đây. Bên cạnh đó, các thương lái đến thu mua nhãn T6 còn giúp quảng bá sản phẩm, nâng cao uy tín và thương hiệu nhãn Sông Mã trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, thương lái đến từ Thành Phố Hà Nội, cho biết: "5 năm nay, tôi thường thu mua nhãn của bà con trên địa bàn huyện Sông mã để đưa về bán ở các chợ đầu mối, như: Long Biên, Hà Đông… Các đầu mối tại các chợ đánh giá quả nhãn Sông Mã rất ngon so với các vùng miền khác. Điều này giúp tôi xây dựng uy tín và lòng tin với khách hàng, đồng thời mang lại lợi nhuận tốt hơn".

Việc chuyển đổi nhãn truyền thống sang giống nhãn T6 chín sớm trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng nhãn. Với tiềm năng và lợi thế, huyện Sông Mã từng bước quy hoạch và mở rộng vùng nhãn chín sớm và rải vũ, giúp địa phương phát huy được thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn.

Nhãn T6 mang niềm vui cho nông dân miền biên viễn- Ảnh 5.

Nhiều thương lái từ các tỉnh thành khác đã tìm đến huyện Sông Mã (Sơn La) để thu mua về các chợ đầu mối. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho biết: "Hiện tại, huyện Sông Mã có khoảng 900ha nhãn chín sớm (giống nhãn T6), hiệu quả kinh tế của nhãn chín sớm đã thấy rõ. Vì vậy, huyện sẽ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ người dân trong việc phát triển vùng nhãn chín sớm. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp đặc biệt là viện nghiên cứu rau quả trung ương để hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học để trái nhãn chín sớm (giống nhãn T6) đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước."

"Huyện tích cực kết nối với các thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và tổ chức cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm nông sản trong và ngoài tỉnh để quảng bá nhãn Sông Mã. Việc này không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nhãn của địa phương". Ông Hải, cho biết thêm.

Nguyễn Vinh - Thuần Việt