Giá lợn hơi hôm nay 22/3/2024, duy trì đà lên cao
Giá lợn hơi hôm nay 22/03/2024, duy trì đà lên cao. Hầu hết các tỉnh trên toàn quốc hưởng ứng đà tăng, lên 1 - 2 giá trong hôm nay, mức giá trung bình cả nước đạt mức 60.100 đồng/kg.
Cụ thể tại miền Bắc đã chạm mốc 62.000 đồng/kg ở Bắc Giang và Thái Nguyên - là mức giá đỉnh mới trên thị trường. Khu vực miền Trung cùng chiều tăng, thu mua trung bình lên đến 59.000 đồng/kg; các tỉnh trong miền Nam giao dịch khá tương đồng nhau quanh mức giá 60.000 đồng/kg.
Tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 60.000 - 62.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có thể giảm lỗ do thời gian trước giá xuống thấp. Riêng tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang đang được nâng giá thu mua lên mức cao nhất khu vực với 62.000 đồng/kg. Mức giá này gần với giá lợn hơi được niêm yết của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam là 63.000 đồng/kg dành cho lợn loại 1.
Tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, giá lợn hơi cũng điều chỉnh tăng lên ở một số nơi, hiện đang được mua trong khoảng 59.000 - 61.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, lợn hơi tại Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa là 59.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, giá lợn hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Đắk Lắk 60.000 đồng/kg.
Lợn hơi tại miền Nam cũng duy trì mức giá tốt và được điều chỉnh tăng nhẹ ở một số địa phương. Cụ thể, tại hai tỉnh Trà Vinh và Bình Phước, lần lượt ghi nhận ở mức giá 59.000 đồng và 60.000 đồng, tăng 1.000 đồng/kg. Lợn hơi tại các địa phương còn lại được giá không đổi trong hôm nay, dao động trong khoảng 59.000 - 61.000 đồng/kg.
Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, các hội, hiệp hội trong ngành chăn nuôi (Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam) cho rằng, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng.
Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
Chỉ tính riêng tháng 1/2024, cả nước đã nhập khẩu gần 62,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 127,52 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với tháng 12.2023; tuy nhiên, so với tháng 1.2023 tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về trị giá.
Đáng chú ý, trên đây là con số nhập khẩu chính ngạch, còn khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu).
Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy.
Theo đó, việc nhập khẩu ồ ạt gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm; trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò. Không những thế, điều này còn gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Từ thực tế trên, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi...