dd/mm/yyyy

Chuyện về "thầy giáo nhà nông" giúp người dân vùng biên giới Mường Tè giảm nghèo bền vững

Thương vùng đất tươi đẹp tuy nghèo mà giàu tình người, hơn 1 thập kỷ qua, thầy giáo Trần Quốc Việt rời phố thị về với bà con xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu. Ăn ở, sinh sống với bà con, thầy Việt không chỉ dạy con chữ mà còn cầm tay, chỉ việc dạy bà con vùng biên giới cách nuôi ong, làm nông nghiệp xóa nghèo.

Clip: Chuyện về "thầy giáo nhà nông" ở miền biên viễn Lai Châu.

Thầy giáo nhà nông của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao

Những ngày đầu đông, bản U Ma Tu Khoòng, xã Thu Lũm, huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu sương mù bao phủ, khiến thời tiết càng trở nên lạnh hơn. Trong cái rét tê tay ấy, thầy giáo Trần Quốc Việt vẫn cặm cụi kiểm tra từng thùng ong mật của bà con và trong tiết thực hành bên những tổ ong mật đó, thầy tỉ mỉ hướng dẫn bà con, từ cách đóng mở thùng ong, đến việc kiểm tra chất lượng mật và chăm sóc con ong qua những ngày đông lạnh giá.

Cũng là nghề giáo viên, nhưng bục giảng của thầy Việt là những trang trại, những mảnh vườn, những chuồng nuôi gia súc ở những bản làng vùng cao xa xôi. Càng những nơi khó nhọc, càng cần đến sự tận tuỵ của thầy Việt và những giáo viên ngành nông nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) của huyện Mường Tè gắn bó với bà con bằng cách cầm tay chỉ việc, đồng hành cùng với bà con trong sự nghiệp của nhà nông.

Chuyện về "thầy giáo nhà nông" ở miền biên viễn Lai Châu - Ảnh 1.

Hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất Thu Lũm, thầy giáo nhà nông Trần Quốc Việt vẫn miệt mài, tỉ mỉ hướng dẫn, giúp bà con dân tộc thiểu số nơi này có nghề trong tay, tăng thu nhập, thoát nghèo. Ảnh: Phúc Điền

Công tác tại một huyện nghèo vùng biên giới xa xôi của tỉnh Lai Châu, đối mặt với bao khó khăn trong công tác giảng dạy, nhưng có lẽ tình yêu nghề và cảm thông trước những khó khăn trong đời sống của bà con đã hun đúc thành sức mạnh nội lực trong thầy, nhiệt huyết cống hiến ấy không ngừng thôi thúc để thầy Việt mang kiến thức mình đang có gắng sức cống hiến cho sự ấm no của bà con nơi này.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Việt bảo: Bản này chỉ là xa trung tâm thôi, chứ có những bản để di chuyển lên tới nơi, chúng tôi phải gửi xe ở trung tâm xã và bê thùng ong đi bộ vài tiếng đồng hồ mới tới nơi. Mùa hè mưa lầy và sạt đường, mùa đông thì lạnh buốt, nguy hiểm và xa nhà, nhiều khi tôi muốn nghỉ việc, nhưng trước sự thiếu hụt kiến thức nông nghiệp của bà con, tôi lại muốn cho đi nhiều hơn. Ở đây tôi phải dùng từ "cống hiến" đấy, bởi không yêu nghề, không yêu vùng cao và không muốn cống hiến thì chắc chắn sẽ có nhiều người muốn bỏ nghề".

Chuyện về "thầy giáo nhà nông" ở miền biên viễn Lai Châu - Ảnh 2.

Học viên của thầy giáo Trần Quốc Việt hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phúc Điền

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, thầy Việt đã có hơn 10 năm gắn bó với vùng cao, đồng hành cùng bà con nông dân và đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. "Trong chương trình của tôi, đa số các học viên đều là dân tộc thiểu số, cho nên sự bất đồng ngôn ngữ cũng thường xuyên xảy ra, những lúc ấy tôi và các thầy cô khác phải nhờ tới sự giúp đỡ của trưởng bản làm phiên dịch", thầy Việt bảo.

Rót chén nước mời khách, thầy Việt bồi hồi nhớ lại: Những lớp học của tôi thường phải tổ chức buổi tối, tôi cho lớp học sớm hơn để cho bà con về nghỉ sớm vì hôm sau bà con còn đi làm nương cả ngày, tối chưa kịp ăn gì lại đến lớp luôn nên cũng mệt. Rồi mình nói nhiều bà con cũng không muốn nghe.

Chuyện về "thầy giáo nhà nông" ở miền biên viễn Lai Châu - Ảnh 3.

Được thầy Việt hướng dẫn, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu đã thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Phúc Điền

Chị Chu Cà De, học viên của lớp nuôi ong bản U Ma Tu Khoòng chia sẻ: Từ xưa tới nay em chỉ nghĩ giáo viên là phải đến trường dạy cái chữ, nhưng giờ thì em thấy các thầy lên tận bản dạy bà con cách làm nông nghiệp như thế này rất vất vả, em thấy cảm ơn thầy lắm.

Nỗ lực vượt khó mang kiến thức nông nghiệp giúp bà con thoát nghèo

Bên bếp lửa bập bùng, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh hàng trăm, hành nghìn kỷ niệm, vui có, buồn có trong nghề của thầy Việt ở miền đất biên viên này. Thầy Việt cho hay: Chương trình dạy học của chúng tôi hiện nay ngoài dạy nghề phổ thông, chúng tôi còn bám sát chương trình mục tiêu để thực hiện. Thường thì tầm tháng 3 là chúng tôi lại chuẩn bị khởi hành đi bản, mỗi lớp chúng tôi triển khai kéo dài từ hơn 200 tiết học đến hơn 400 tiết học tuỳ từng lớp và mỗi năm, mỗi giáo viên lại phụ trách mấy lớp như vậy. "Xa nhà và cũng nhiều chăn trở về gia đình, con cái, nhiều khi con ốm, bố mẹ ốm không về kịp cũng thấy chạnh lòng. Nhiều điểm bản xa không có sóng điện thoại, không có điện, tôi tá túc nhờ bà con vừa để hiểu cuộc sống của họ vừa để cả mình và bà con hiểu nhau thì mới truyền tải được nhiều điều cho bà con. Những thời điểm đầu năm chưa có lớp, trong lòng lại thấy nao nao, nhớ bản lắm đấy".

Chuyện về "thầy giáo nhà nông" ở miền biên viễn Lai Châu - Ảnh 4.

Nhờ nỗ lực của những người như thầy giáo Trần Quốc Việt, giờ đây nghề nuôi ong nói riêng và nhiều nghề khác đã được phổ biến, lan tỏa và trở thành sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Tè, Lai Châu. Ảnh: Phúc Điền

Những ngày đồng hành với thầy Việt ở đây, ngoài giờ học chúng tôi chứng kiến cảnh thầy Việt ngồi cặm cụi bên bếp củi nấu cám giúp bà con, hướng dẫn họ cách giữ củi mùa đông, cách giữ ấm cho vật nuôi mùa đông. Rồi thầy còn chia sẻ thêm về những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng nơi này, khuyến khích họ tăng gia sản xuất. 

Thầy Việt nói với chúng tôi: "Bà con yêu quý mình như vậy, mình lại góp một phần bé nhỏ vào công cuộc thoát nghèo của bà con, nên tôi mới càng yêu quý nghề của mình hơn, tôi đã tự hứa rằng phải chau dồi hơn nữa để giúp cho bà con nơi đây có cái nghề, yêu cái nghề và phát triển kinh tế".

Thầy Việt là một trong những giáo viên vượt khó và yêu nghề điển hình của Trung tâm GDNN-GDTX của huyện Mường Tè. Từ khi thành lập đến nay, đã có biết bao thế hệ thầy, cô giáo đã gắn bó và trực tiếp gắn bó với những giảng đường đặc biệt như thế này ở vùng cao, một điều không gì cao quý hơn đó là để bà con, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nơi đây vững tay nghề, biết làm kinh tế và thoát nghèo.

Chuyện về "thầy giáo nhà nông" ở miền biên viễn Lai Châu - Ảnh 5.

Những lớp dạy nghề của thầy cô giáo trong Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Tè, Lai Châu mang đến cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Tè những kiến thức, kỹ năng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Phúc Điền

Chia sẻ về những khó khăn và thành quả đạt được của lớp các thầy, cô giáo bám bản dạy nghề cho người dân ở miền biên giới Mường Tè, bà Cao Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Tè cho hay: "Trước đây, bà con chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, chăn thả tự nhiên, nuôi trồng không không áp dụng khoa học, vì thế nên sản lượng cũng không được đạt hiệu quả. Do vậy từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã giúp bà con tiếp cận được với công nghiệp hoá hiện đại hoá, giờ đây sản lượng trong nuôi trồng của bà con cũng được nâng cao, chăn nuôi gia súc gia cầm bà con cũng đã biết làm chuồng trại, chất lượng cũng được nâng lên, nhờ đó mà thu nhập cũng tăng lên theo từng năm và không ít hộ gia đình có nghề trong tay đã thoát nghèo".

Tuấn Hùng, Phúc Điền