dd/mm/yyyy

Huyện biên giới Mường Tè gắn bảo vệ rừng với phát triển kinh tế

Sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng vào phát triển kinh tế gia đình, đời sống của người dân ở huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) ngày càng cải thiện, nâng cao.

Người dân Mường Tè chung tay bảo vệ rừng

Đến Mường Tè, đi từ vùng thuận lợi cho đến các xã khó khăn trong huyện, đâu đâu cũng bắt gặp những cánh rừng xanh tốt, dọc 2 bên đường hay trải dài bên những sườn núi. Vốn là địa phương dẫn đầu tỉnh Lai Châu về diện tích rừng, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được huyện Mường Tè chú trọng. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong huyện và sự đồng thuận của người dân, diện tích rừng ở Mương Tè được bảo vệ tốt hơn, mang lại cuộc sống no ấm cho bà con trên địa bàn.

Mường Tè đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Người dân Mường Tè ngày càng tích cực hơn trong việc bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ở Mường Tè, xã nào cũng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điển hình như ở Pa Ủ - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Trước đây, những cánh rừng ở Pa Ủ thường xuyên bị "rỉ máu" bởi lối sống du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy của người La Hủ trên địa bàn. Nghe theo sự vận động của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng, người La Hủ ở Pa Ủ đã từ bỏ thói quen sống du cư như trước, dần chuyển sang sống ổn định tại một địa điểm như hiện nay. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, được nhận tiền bảo vệ rừng hằng năm, người dân xã Pa Ủ ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ rừng. Từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đã coi rừng như "báu vật" để mà giữ gìn, bảo vệ. Xã Pa Ủ hiện có hơn 21.400ha rừng, với tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 68%, chủ yếu là rừng tự nhiên.

Mường Tè đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Người dân huyện Mường Tè ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tương tự như ở Pa Ủ, hơn chục năm trở lại đây, người dân xã Tá Bạ (Mường Tè) thường rỉ tai nhau là bảo vệ rừng cho tốt, thì rừng sẽ "trả ơn". Thay vì chặt phá rừng làm nương rẫy hay khai thác rừng trái phép như trước, người dân xã Tá Bạ cùng chung tay bảo vệ rừng. Bản nào, bản nấy trong xã cũng đều đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước của bản, để bà con cùng nhau thực hiện, ai vi phạm sẽ không được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Ý thức, trách nhiệm của người dân trong xã nâng lên, kéo theo những cánh rừng trên địa bàn xã cũng được bảo vệ tốt hơn.

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Lý Xá Hừ - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè, phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Mường Tè đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng nhiệt tình và hăng hái tham gia của người dân các xã, bản trong huyện. Nhờ đó, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã giảm mạnh. Diện tích rừng của huyện được bảo vệ tốt hơn, màu xanh của những cánh rừng trên địa bàn huyện ngày càng nhân lên.

Mường Tè đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Hằng năm, mỗi hộ dân ở xã Pa Ủ được chi trả hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Hằng năm, huyện Mường Tè chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện.

Gắn bảo vệ rừng với phát triển kinh tế

Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, hằng năm, mỗi hộ dân ở các xã, thị trấn của huyện Mường Tè được nhận một khoản tiền khá lớn. Số tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận hằng năm, người dân các xã, bản trong huyện sử dụng khá hiệu quả vào việc trang trải cuộc sống hàng ngày và mua cây, con giống, phân bón phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Năm 2023, mỗi hộ dân ở xã Pa Ủ được chi trả bình quân hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Có tiền bảo vệ rừng, các hộ dân trong xã đã mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất.

Anh Lý Hừ Cho, ở bản Cờ Lò (Pa Ủ, Mường Tè) vui vẻ cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Do thiếu vốn làm ăn nên cái đói, cái nghèo cứ mãi bám diết lấy gia đình tôi. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm, gia đình tôi cũng nhận được trên dưới 20 triệu đồng. Khoản tiền này khá lớn đối với gia đình tôi.

Mường Tè đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Mường Tè tăng lên qua từng năm. (Ảnh: Thanh Ngân)

Năm nào cũng vậy, cứ sau khi được chi trả tiền bảo vệ rừng, gia đình tôi lại sử dụng một phần nhỏ vào trang trải cuộc sống hàng ngày, phần còn lại để đầu tư mua cây, con giống, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của gia đình tôi cũng nhờ đó mà ngày một nâng lên. Gia đình tôi thoát nghèo là nhờ đã sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ có gia đình anh Hừ Cho, mà nhiều hộ dân ở xã Pa Ủ nói riêng, huyện Mường Tè nói chung đã sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Có tiền để tái đầu tư sản xuất, thu nhập, đời sống của người dân các xã, thị trấn của huyện Mường Tè không ngừng cải thiện, nâng cao. Người dân trong huyện ngày càng tích cực hơn trong việc bảo vệ rừng.

Cùng với việc giữ rừng, người dân các xã, thị trấn của huyện Mường Tè còn mạnh dạn trồng quế và đưa các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào trồng dưới tán rừng như: Sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, thảo quả… góp phần nâng cao thu nhập.

Đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế, huyện Mường tè đã "gặt hái" được nhiều kết quả đáng mừng. Diện tích rừng trên địa bàn huyện phát triển ngày càng xanh tốt, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện cũng tăng lên qua từng năm. Kinh tế của huyện cũng có những chuyển biến tích cực, thu nhập, đời sống của người dân trên địa bàn một nâng cao.

Thanh Ngân