dd/mm/yyyy

Hướng đi mới giúp nông dân vùng biên giới Nậm Nhùn giảm nghèo bền vững

Nhờ chuyển đổi cây trồng, nông dân ở xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm với mô hình trồng bí xanh nova 209. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo việc làm cho nhiều hộ nghèo ở xã, là hướng đi mới giúp bà con giảm nghèo bền vững.

Clip: Mô hình trồng bí xanh cho thu nhập cao ở huyện Nậm Nhùn, Lai Châu.

Cách để nông dân Nậm Manh giảm nghèo bền vững

Sau nhiều năm canh tác, trồng bưởi, nuôi bò… nhưng hiệu quả kinh tế không được như mong muốn, quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế, anh Vàng Văn Phiêng ở bản Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) “khăn gói” đi nhiều nơi như huyện Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu) và cũng không ít lần thuê xe sang tỉnh Sơn La để học cách làm nông nghiệp. Năm 2023, tìm ra hướng đi mới, anh Phiêng mạnh dạn trồng thử nghiệm cây bí xanh nova 209. Với vốn kiến thức anh học hỏi sau những chuyến tham quan cùng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, anh Phiêng đã thành công.

Trên diện tích đất bỏ không lâu ngày, cây bí xanh hợp đất lớn nhanh như thổi, gốc nào cũng chắc, khỏe, lá xanh mướt, quả sai trĩu giàn, anh Phiêng và bà con mừng lắm. Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi, anh Phiêng cho hay, ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi chỉ trồng thử trên diện tích 2ha, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây bí xanh hợp thổ nhưỡng phát triển tốt và cho năng suất cao. Ngay từ vụ đầu, trừ chi phí tôi cũng bỏ túi được một khoản kha khá làm vốn.

Hướng đi mới giúp nông dân ở biên giới Nậm Nhùn giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, anh Phiêng (bản Nậm Manh, xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) đã quyết tâm tìm học cách trồng bí xanh và mô hình trồng bí của anh mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ảnh: TH

Trên đà thắng lớn, tôi kêu gọi bà con trong bản, nhất là những hộ nghèo tham gia lập hợp tác xã. Nhận thấy mô hình trồng bí cho hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ trong bản đã “ưng bụng” tham gia. Từ khi hợp tác xã Nậm Manh ra đời, có sự chung tay của các hộ dân khác, diện tích bí xanh tăng lên, đến nay tổng diện tích đạt 8ha. Từ việc trồng bí xanh, hợp tác xã chúng tôi đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Mỗi mùa thu hoạch, chúng tôi đều phải thuê từ 25 - 30 lao động thời vụ, từ đó tạo được việc làm cho nhiều bà con khác trong bản.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn bí của gia đình, anh Phiêng cho biết: Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã thu hoạch được 6 lứa với khoảng 250 tấn quả. Sau khi trừ các khoản chi phí bỏ ra, gia đình thu về khoảng 250 triệu đồng. 

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bí thắng lớn, anh Phiêng cho biết, cây bí xanh nova 209 là cây ưa ẩm nên thời kỳ cây ra hoa đậu quả cần điều kiện thời tiết ấm áp để đảm bảo cho năng suất cao. Vì vậy, cần chọn ruộng trồng bí xanh ở nơi cao ráo, thuận tiện tưới tiêu, cày bừa; cần nhặt sạch cỏ dại, lên luống và xử lý mầm sâu bệnh. Chọn giống bí ngắn ngày là nova 209 nên chỉ sau hơn hai tháng có thể cho thu hoạch, mỗi vụ có thể thu 5 - 7 lứa tùy vào điều kiện chăm sóc thực tế.

Cũng theo kinh nghiệm của người dân, ở giai đoạn đầu sau gieo trồng cần tưới nhẹ thường xuyên cho cây mau mọc mầm, nhanh bén rễ và đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay vì bí xanh không chịu được ngập úng. Đồng thời thực hiện việc phòng trừ sâu bệnh và các biện pháp chăm sóc khác một cách thường xuyên.

Hướng đi mới giúp nông dân ở biên giới Nậm Nhùn giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Mỗi vụ bí xanh, bà con ở hợp tác xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu có thể thu từ 5 - 7 lứa quả, mỗi gia đình cũng thu về gần 30 triệu đồng. Ảnh: TH

Chuyển đổi cây trồng, hướng giảm nghèo bền vững ở Nậm Manh

Nậm Manh là xã vùng cao của huyện biên giới Nậm Nhùn, người dân nơi đây chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Hiện bà con đang phát triển một số cây trồng như lúa, ngô, sa nhân tím, mắc ca… Trồng bí xanh là một mô hình mới được người dân áp dụng và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Chia sẻ phóng viên, anh La Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu cho biết: Những năm qua, xã đã huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giúp bà con thuận lợi sản xuất, kinh doanh, giao thương, phát triển kinh tế. Trong đó, để tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, coi đây là hướng đi để giảm nghèo bền vững.

Hướng đi mới giúp nông dân ở biên giới Nậm Nhùn giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ dân nghèo ở bản Nậm Manh, xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đã có thu nhập khá. Ảnh: TH

Một trong những mô hình tiêu biểu là gia đình anh Vàng Văn Phiêng ở bản Nậm Manh, đây là hộ gia đình tiên phong đi đầu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Nhờ chịu khó lao động và cách làm hay, gia đình anh Phiêng đã thành công, có thu nhập cao từ trồng bí xanh và tạo được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Cây bí xanh do gia đình anh Phiêng và bà con trong hợp tác xã Nậm Manh sản xuất tới đâu đều được thu mua theo hình thức bao tiêu tới đó, nên không còn lo cho đầu ra cho sản phẩm, bà con cũng có thu nhập ổn định.

“Trong thời gian tới, xã sẽ giúp bà con tiếp tục đánh giá mức tiêu thụ của thị trường, vận động người dân tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích cây bí xanh trên địa bàn, qua đó vừa giải quyết công ăn việc làm vừa đảm bảo thu nhập cho người dân”, anh Cương hồ hởi cho hay.

Qua đánh giá của người tiêu dùng trong và ngoài huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), cây bí xanh nova 209 được trồng ở bản Nậm Manh có vị thơm, ngon đặc trưng mà ít nơi có được. Hợp tác xã Nậm Manh hiện có 10 thành viên tham gia trồng bí xanh, với tổng diện tích 8ha. Với giá bán từ 10 - 15 nghìn đồng/1kg, hộ có diện tích từ 0,2ha cũng cho thu hoạch đạt từ 20 - 25 triệu đồng/vụ.

Hướng đi mới giúp nông dân ở biên giới Nậm Nhùn giảm nghèo bền vững - Ảnh 4.

Bí xanh của gia đình anh Phiêng và hợp tác xã Nậm Manh cho năng suất cao, mỗi năm mang về nguồn thu nhập khá cho hội viên. Ảnh: TH

Mô hình trồng bí xanh nova 209 của gia đình anh Phiêng và nhiều hộ dân khác trong hợp tác xã Nậm Manh là minh chứng cho chủ trương chuyển đổi cây trồng, tăng giá trị nông sản, góp phần giúp người dân tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững của tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Nậm Nhùn nói riêng. Nếu mô hình được nhân rộng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc nơi đây về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nhìn từ thực tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp ngành kinh tế chuyển dịch từ kinh tế nông thôn sang kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; giúp xây ước mơ và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương của những người con vùng biên giới Nậm Nhùn, là một hướng đi giúp giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuấn Hùng