Năng suất, giá cả cà phê tăng mạnh
Nhằm nâng cao giá cả cũng như chất lượng cà phê, từ năm 2018 – 2019, hàng chục hộ nông dân người Ba Na ở xã Glar đã tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh ở thôn Tuơh Ktu. Họ cùng nhau cam kết sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ - chứng nhận toàn cầu về cà phê sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Theo người dân nơi đây, sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ, toàn bộ quy trình sản xuất phải thay đổi theo hướng hữu cơ. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học được giảm tối đa và chỉ sử dụng ở thời điểm nhất định theo quy trình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, tăng lượng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại.
Với hướng đi này, người nông dân vừa bớt lo cảnh mất mùa mà còn bán được cà phê tươi với giá cao, đạt bình quân 8.500 đồng/kg.
"Việc thay đổi tư duy canh tác cây cà phê ứng dụng chế phẩm sinh học là một hướng đi phù hợp với xu hướng sản xuất chung hiện tại, tiết kiệm chi phí sản xuất tối đa khi giá cả phân bón hóa học, vật tư nông nghiệp đều tăng cao".
Ông Lê Hữu Anh -
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh
Kế thừa thành quả trên, năm 2020 hàng chục hộ Ba Na tại xã Glar tiếp tục áp dụng quy trình canh tác cây cà phê ứng dụng chế phẩm sinh học với phương châm "đất tốt, vườn xanh, nhà nông khỏe mạnh".
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vào quy trình canh tác cây cà phê nhằm khắc phục những điểm yếu do lối canh tác cũ, lạm dụng phân bón hóa học và hóa chất độc hại.
Chính sự thay đổi tư duy canh tác này đã giúp nông dân cắt giảm được lượng phân bón học từ 30 - 50% ngay từ năm đầu tiên triển khai, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu hóa học và trừ nấm bệnh hóa học.
Dẫn phóng viên Báo NTNN dạo quanh vườn cà phê, anh Xuân (SN 1986, dân tộc Ba Na, trú tại xã Glar) phấn khởi nói: "Năm 2018, gia đình tôi tham gia sản xuất 1,5ha cà phê 20 năm tuổi theo chứng nhận UTZ, nhằm tạo ra sản phẩm cà phê sạch hơn, sức khỏe người trồng và môi trường được đảm bảo nhờ giảm các chất hoá học độc hại. Với hướng đi này, những năm qua năng suất vườn cây đã tăng cao, gấp nhiều lần so với chăm sóc cà phê theo hướng truyền thống".
Anh Xuân cho hay, nhằm nâng cao giá bán, năng suất cũng như tuổi thọ của cây, cuối năm 2020 gia đình anh tiếp tục ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây cà phê với diện tích trên. Nhờ vậy đã hạn chế tối đa lượng phân hóa học, hạt cà phê cũng giảm thiểu được hoá chất nên vụ mùa vừa rồi anh đã bán 1,5 tấn cà phê tươi với giá 10.700 đồng/kg.
Đất tốt, vườn xanh...
Tương tự hộ anh Xuân, nhờ thay đổi tư duy canh tác cây cà phê từ truyền thống thành sản xuất cà phê theo hướng 4C, gia đình ông Uê (người dân tộc Ba Na, trú tại xã Glar) đã thu về 8 tấn cà phê nhân trên diện tích 2ha (trước đó chỉ thu khoảng 4 tấn/2ha).
"Năm nay thấy bà con làm cà phê truyền thống than mất mùa, nhưng vườn cà phê 4C của chúng tôi vẫn đạt năng suất cao, thậm chí còn tăng so với năm ngoái. Vụ mùa vừa rồi, tôi có ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây cà phê trên diện tích 1ha. Nhờ vậy, gia đình không chỉ bán được cà phê tươi với giá cao mà còn tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như tiền phân, thuốc men, công làm cỏ…" - ông Uê bộc bạch.
Dù mới triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây cà phê được hơn 1 năm song hiệu quả đem lại rất khả quan.
Qua đánh giá vườn trình diễn, lượng phân hóa học sử dụng trong năm giảm 50% và vườn cây được cải tạo tốt, năng suất vẫn tăng từ 20-25% so với những năm trước đó khi canh tác theo phương pháp truyền thống. Dự kiến sản lượng cà phê sẽ tăng cao trong những năm tới.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hữu Anh – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh cho biết, những vườn cà phê của người dân được cải tạo, thay vì phun thuốc trừ sâu hay cắt cỏ như trước. "Hướng đi này sẽ giữ lại vườn cỏ làm nền tảng để phục hồi nền đất đang dần bị thoái hóa, phát triển hệ vi sinh có lợi trong vườn cây, số lượng giun đất trong vườn cũng tăng lên" - ông Anh nói.