dd/mm/yyyy

Đắk Lắk: Trồng cà phê lạ đời, để thảm cỏ tốt um thế mà lại giảm chi phí

Huyện Krông Năng (Đăk Lăk) đang áp dụng mô hình thảm cỏ che phủ đất, đây được xem là giải pháp cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình nằm trong chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI Compact).

Loại bỏ chất cấm trong thuốc bảo vệ thực vật

PPI Compact do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH phát triển và tài trợ, đồng tài trợ có Tập đoàn JDE cùng với Dự án VnSAT, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk (Simexco DakLak)... với quy mô 5.200ha/4.000 hộ dân tại huyện Krông Năng.

Đây là chương trình xây dựng vùng cảnh quan bền vững dựa trên các mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh, hướng tới hình thành vùng sản xuất nguyên liệu bền vững quy mô lớn huyện Krông Năng vào năm 2025 với mục tiêu 100% diện tích cà phê trên địa bàn huyện sản xuất bền vững. 

Mô hình này giúp giảm 25% lượng nước tưới, giảm 15% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tăng thu nhập cho người trồng cà phê từ 20 - 30%. 

Xác định việc áp dụng mô hình quản lý thảm cỏ che phủ đất là trọng tâm, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, Phòng NNPTNT huyện Krông Năng đã triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các đại lý thuốc BVTV và người dân không buôn bán, sử dụng thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate.

Có thảm cỏ, người trồng cà phê giảm nhiều chi phí  - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Thảo bên vườn cà phê áp dụng mô hình thảm cỏ, dự kiến năng suất năm nay cao hơn các năm trước trong khi chi phí đầu tư thấp hơn. Ảnh: P.H

Theo Thông tư số 10/2020 của Bộ NNPTNT, các thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu và chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021 tại Việt Nam. Hoạt chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng NNPTNT phối hợp Simexco Daklak triển khai 40 mô hình quản lý thảm cỏ che phủ đất (không dùng thuốc diệt cỏ) tại các xã Ea Toh, Ea Tân, DliêYa và Ea Hồ, với quy mô 0,5 - 1ha/mô hình. 

Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn cách quản lý thảm cỏ, hỗ trợ các loại dụng cụ, chế phẩm sinh học để quản lý thảm cỏ. 

Người dân được tập huấn để chiều cao của cỏ khoảng 50 - 60cm rồi dùng máy phát cỏ làm sạch, để lại 10cm. Số cỏ bị phát sẽ dùng chế phẩm sinh học Trichoderma phun lên, biến thành loại phân hữu cơ tốt cho cây trồng.

Từng bước đưa cây trồng trở về tự nhiên

Ông Trần Văn Thảo (thôn Ea Bi, xã DliêYa, huyện Krông Năng) cho biết: "Gia đình tôi có 6ha trồng cà phê và sầu riêng, trước đây tôi nhận ra những lợi ích từ việc quản lý cỏ dại nhưng vẫn còn rất trăn trở. Vì xung quanh vườn nhà tôi, mọi người đều làm sạch cỏ, nếu mình để cỏ xanh rờn trong vườn cũng thấy khác thường so với mọi người. 

Nhưng may quá, tháng 5 vừa qua, được Phòng NNPTNT hướng dẫn, hỗ trợ mô hình quản lý thảm cỏ sinh học, tôi rất phấn khởi nên đã mạnh dạn áp dụng trên vườn cà phê của mình. Đến nay, sau một thời gian áp dụng, vườn cà phê của gia đình phát triển rõ rệt, trái đóng chùm tốt, to đều".

Cũng theo ông Thảo, so với những vườn cà phê khác, khi áp dụng mô hình thảm cỏ sinh học, vườn cà phê của gia đình ông tưới nước muộn hơn, đất luôn luôn có độ ẩm và lượng nước tưới cũng giảm đi đáng kể. "Năm nay trời hạn nhưng so với các vườn khác thì vườn nhà chúng tôi vẫn tưới ít đợt hơn mà cây vẫn xanh tốt, hoa nở đều" - ông Thảo nói.

Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Thiện (thôn Hải Hà, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cũng đã mạnh dạn áp dụng mô hình thảm cỏ sinh học trên 1ha cà phê xen canh các loại cây ăn trái. Sau một thời gian áp dụng, vườn cây có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Thiện chia sẻ: "Trước kia vườn cà phê của gia đình tôi thường xuyên làm sạch cỏ bằng cách thuê công làm cỏ hay phun thuốc diệt cỏ. Đến mùa khô nước bốc hơi nhanh lắm, đất khô cứng, mất nhiều độ ẩm. Từ khi áp dụng thảm cỏ sinh học đến nay, mỗi tháng gia đình tôi phát cỏ một lần, sau đó dùng chế phẩm sinh học phun lên cỏ đã phát để tạo lớp mùn cho đất. Tôi thấy cây trồng có sự thay đổi rõ rệt, lá xanh hơn, mùa khô cũng không cần phải tưới nước quá nhiều nữa".

Theo ông Lê Ký Sự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Năng, nếu người dân biết cách áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại sẽ giúp tạo thảm phủ mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển. Đây cũng là giải pháp giúp nông dân giảm một số chi phí như: Thuê nhân công, phân bón, nước tưới… mà vẫn giúp cây trồng phát triển khoẻ mạnh.

Phương Hằng