Clip: Bí quyết nuôi lợn thu lãi vài trăm triệu của lão nông vùng cao
Chọn nuôi lợn để phát triển kinh tế
Được Hội Nông xã Chiềng Hắc giới thiệu, chúng tôi tìm đến trại nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La), đây là một trong những trang trại nuôi lợn lớn nhất vùng này. Nhìn từ ngoài vào, trại lợn được đầu tư, xây dựng khá bài bản, xung quanh có tường rào chắc chắn, có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt.
Dừng tắm cho đàn lợn, ông Lâm tâm sự: Gia đình tôi quê ở Thường Tín (Hà Nội), chuyển lên vùng đất kinh tế mới Tà Niết này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu lên với vùng đất này, cũng như nhiều hộ khác, gia đình tôi bắt đầu canh tác những cây trồng trên nương như: ngô, sắn, đậu, lạc…. vất vả quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng thu nhập chả được bao nhiêu.
Trong khi đó, giá cả các loại cây trồng trên nương lại không ổn định, đất đai ngày càng bạc màu, khiến cho năng suất cây trồng ngày càng giảm, thu nhập của gia đình ông bị thu hẹp. Không chịu khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới, gia đình ông đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn khép kín, mỗi năm cho thu nhập cả nửa tỷ đồng.
"Gia đình tôi bắt đầu nuôi lợn từ năm 2010, lúc đầu gia đình chỉ nuôi 2 con lợn nái và 15 con lợn thịt. Nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đàn lợn nái sinh trưởng và phát triển tốt. Qua nhiều tháng nuôi, đàn lợn nái lần lượt sinh những lứa lợn con khỏe mạnh, gia đình tôi có thêm lợn giống để nuôi lợn thịt. Sau vài tháng chăm sóc gia đình tôi xuất bán thu lãi hơn 100 triệu đồng", ông Lâm nói.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi lợn, gia đình ông Lâm đã quyết định đầu tư mở rộng chuồng nuôi. Năm 2014, với số vốn gia đình tích góp cùng với số tiền vay mượn từ họ hàng, ôngLâm xây 2 khu chuồng nuôi rộng khoảng 150m2.
"Để có đủ con giống chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, bên cạnh việc phối giống nhân tạo cho đàn lợn nái tại trang trại, giúp giảm chi phí đầu vào, gia đình tôi còn mua thêm con giống ở các trại lợn có uy tín trên địa bàn tỉnh", ông Lâm cho biết.
Bí quyết nuôi lợn cho thu nhập cao
Chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi đàn lợn đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Lâm cho biết: Bí quyết để việc chăn nuôi thành công, đạt được kết quả tốt nhất đó là phòng dịch và vệ sinh chuồng trại. Định kỳ hàng tháng, gia đình ông tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn. Cùng với đó, việc giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ được gia đình ông thực hiện thường xuyên.
Ông Lâm chia sẻ: "Nguồn thức ăn cũng là một phần quan trọng giúp đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình tôi nhập cám từ các công ty có uy tín, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho đàn lợn với các độ tuổi khác nhau. Sau 4 tháng nuôi, lợn đạt trọng lượng hơn 100kg thì có thể xuất bán",
Trại nuôi lợn thịt của gia đình ông Lâm được chia thành nhiều ngăn để nuôi các lứa lợn thịt khác nhau. Để bảo vệ môi trường, ông Lâm ứng dụng quy trình hầm Biogas xử lý chất thải. Cách làm này không những tiết kiệm chi phí sử dụng điện trong chăn nuôi, nhu cầu sinh hoạt, đun nấu của gia đình, mà còn cung cấp đủ chất đốt cho các hộ dân xung quanh.
Đến nay, mỗi lứa nuôi, gia đình ông Lâm duy trì 10 con lợn nái sinh sản và hơn 50 con lợn thương phẩm. Mỗi năm, gia đình ông Lâm xuất bán được trên 100-150 con lợn thương phẩm. Với mức giá hiện nay, trừ tất cả chi phí, gia đình ông Lâm thu được hơn 200 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: Ông Nguyễn Văn Lâm là người dám nghĩ, dám làm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Lâm luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân nuôi lợn trong xã về kỹ thuật chăn nuôi và giúp mọi người có phương pháp chăn nuôi tốt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển.