dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch

Tuy diện tích nuôi trồng thủy sản không nhiều nhưng môi trường nuôi trồng thuỷ sản sạch, chất lượng tốt nên huyện Bắc Yên (Sơn La) đã phát huy lợi thế này

Clip: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch

Tận dụng khe suối nuôi thuỷ sản sạch

Huyện Bắc Yên hiện có trên 60ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm khoảng 135 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng trên 90 tấn, sản lượng khai thác gần 45 tấn. Phần lớn thủy sản được nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, nuôi ghép các loài truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi đơn tính...tại ao và tận dụng diện tích mặt nước các hồ thủy điện trên địa bàn để nuôi cá lồng thương phẩm.

Chính vì diện tích mặt nước không lớn, người dân tận dụng nguồn nước từ các khe suối để làm ao thả cá… Không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày, nhiều hộ đã chú trọng chăm sóc và mở rộng diện tích nuôi trồng để tăng sản lượng, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch - Ảnh 2.

Nông dân xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, (Sơn La) tận dụng nước từ các khe suối đào, ao thả cá, phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Ngọc

Nắm bắt được xu hướng thị trường ưa thích nguồn cá sạch, từ năm 2010 gia đình Ông Hoàng Trọng Xuyến ở bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá ao kết hợp với việc khai hoang ruộng nước. Ông Xuyến chia sẻ: Gia đình ông đã đầu tư đào, đắp 3 ao thả cá với tổng diện tích khoảng hơn 1ha mặt nước thả cá. Cùng với đó, để có nguồn thức ăn cho cá, gia đình ông trồng thêm cỏ voi, chuối, cây sắn xung quanh bờ ao và bổ sung thêm bột ngô, cám gạo. Ao gia đình ông chủ yếu nuôi các loại cá như: chép, trắm, trôi, mè và cá rô, 2 năm xuất 1 lứa, đem bán cho bà con trong bản, trong xã, ngoài ra các thương lái đến tận nơi để thu mua nên không khó khăn về đầu ra.

"Trên đồi Suối Tây này rộng và bằng, nên mình lên làm kinh tế, tôi cũng mạnh dạn vay một ít vốn đầu tư mở đường lên, khai hoang ruộng, chăn nuôi, bây giờ tôi mạnh dạn đầu tư vào ao cá, thấy có thu nhập ổn định, mỗi năm thu nhập của gia đình tôi từ nuôi cá đạt 100-150 triệu đồng/năm", ông Xuyến nói.

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch - Ảnh 3.

Gia đình ông Hoàng Trọng Xuyến ở bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên (Sơn La) có thu nhập cao từ việc đào ao thả cá. Ảnh: Văn Ngọc

Cùng với phương pháp nuôi truyền thống, tận dụng nguồn tài nguyên nước lạnh, những năm gần đây một số doanh nghiệp, HTX đã đầu tư vào nuôi các loại cá đặc sản như: cá hồi, cá tầm, góp phần vào phát triển kinh tế và tăng thêm cơ cấu giống loài nuôi mới tại địa phương.

Xã Xím Vàng, có khí hậu mát mẻ, yên tĩnh, nước đầu nguồn sạch, quanh năm mát lạnh, nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, nước chảy mạnh rất thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Nhận thấy lợi thế này, năm 2018, anh Trần Trí Dũng, Giám đốc HTX Thủy sản nông nghiệp ĐTXD & Thương mại Xím Vàng (Bắc Yên, Sơn La) đã cùng các thành viên thành lập HTX đầu tư xây dựng hồ nuôi cá với trên 1.500m2 mặt nước. Thời điểm nuôi nhiều có trên 1 vạn con cá tầm, cá hồi các loại. Mỗi năm xuất ra thị trường trên 20 tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm, với giá 350.000 đồng/kg cá hồi và 250.000 đồng/1kg cá tầm.

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch - Ảnh 4.

Tận dụng nguồn tài nguyên nước lạnh, một số doanh nghiệp, HTX đã đầu tư vào nuôi cá hồi, cá tầm trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

"Chúng tôi nhận thấy ở khu vực Xím Vàng có địa hình tương đối cao, có rất nhiều con suối, khe suối có nguồn nước lạnh dồi dào nên chúng tôi quyết định lựa chọn bản Xím Vàng để thực hiện việc nuôi cá nước lạnh. Trong thời gian tới, HTX chúng tôi sẽ kết hợp chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng", anh Dũng nói.

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch - Ảnh 5.

HTX Thủy sản nông nghiệp ĐTXD & Thương mại Xím Vàng, huyện Bắc Yên (Sơn La) mỗi năm xuất ra thị trường trên 20 tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Nuôi thủy sản sạch một cách bền vững

Mặc dù đã có bước phát triển nhất định nhưng trên thực tế, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi, độ dốc lớn, tập quán sản xuất của người dân còn hạn chế, chủ yếu là nuôi quảng canh vốn đầu tư ít... giống nuôi chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống, giá trị kinh tế thấp, chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng bản địa, chưa phát triển mạnh thành sản phẩm hàng hóa.

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: Diện tích lòng hồ của sông Đà khá lớn chạy dài qua 5 xã của huyện tuy nhiên 2 bên lòng sông là những vách đá thẳng đứng nên rất khó khăn trong việc nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi cá lồng, ở vùng cao đã tận dụng lợi thế nước lạnh để nuôi cá hồi, cá tầm, tuy nhiên về chính sách đầu tư tuy đã có nhưng chưa đủ mạnh.

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch - Ảnh 6.

Người dân huyện Bắc Yên (Sơn La) tận dụng mặt nước sông đà phát triển nuôi cá lồng. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo bà Hương, để khai thác tiềm năng, phát triển nuôi trồng thủy sản, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm của người dân địa phương, nâng cao đời sống người nuôi trồng thủy sản, gắn với du lịch sinh thái ở khu vực nuôi cá nước lạnh. Thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục khai thác tốt diện tích nước mặt vùng hồ Sông Đà, lòng hồ các thủy điện, các ao hồ; tập trung phát triển cá nước lạnh, xây dựng thương hiệu cá hồi, cá tầm tại các xã Xím Vàng, Háng Đồng.

"Ngành nông nghiệp huyện sẽ khai thác, tận dụng diện tích các địa bàn vùng cao để phát triển nuôi cá nước lạnh tại xã Háng Đồng và Xím Vàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX có chủ trương đưa vào để thu hút đầu tư phát triển thủy sản, ngoài ra sẽ tập huấn, tuyên truyền để người dân nắm được lợi ích chính sách khi thực hiện" bà Hương nói

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch - Ảnh 7.

Năm 2022, huyện Bắc Yên phấn đấu duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 60ha, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 138 tấn, trong đó: sản lượng nuôi trồng 93 tấn, sản lượng khai thác 45 tấn. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước lớn, tăng sản lượng thủy sản tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái thủy sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân vùng ven sông, hằng năm huyện triển khai thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản lòng hồ Sông Đà.

Nông thôn Tây Bắc: Khai thác lợi thế nuôi trồng thuỷ sản sạch - Ảnh 8.

Huyện Bắc Yên (Sơn La) thả bổ sung cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ Sông Đà. Ảnh: Văn Ngọc

"Huyện đã chỉ đạo các cơ sở xã dọc sông Đà, tuyên truyền bà con nhân dân đánh bắt thủy sản, ngoài ra phối hợp với các Sở, ban ngành, trên cơ sở các kế hoạch của huyện để thả bổ sung cá trên dọc sông Đà. Thời gian tới, huyện cũng sẽ có văn bản gửi đến tất cả các xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động và tới nữa là hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, nhằm bảo vệ nguồn lợi từ tự nhiên để không bị tận diệt", bà Phương nói.



Văn Ngọc - Nguyễn Vinh