dd/mm/yyyy

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Nông dân Sơn La đang tích cực ra đồng chăm sóc lúa xuân, đảm bảo lúa phát triển tốt, cho năng suất cao.

Cùng cán bộ Khuyến nông huyện Yên Châu (Sơn La) thăm cánh đồng xã Chiềng Đông, Chiềng Sàng, chiềng Pằn kiểm tra sự phát triển của lúa, thời điểm này bà con tích cực xuống đồng điều chỉnh lượng nước, tỉa dặm, làm cỏ và bón phân thúc cho lúa.

Vụ đông xuân năm nay huyện Yên Châu (Sơn La) gieo cấy khoảng 800 ha lúa xuân, với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa thuần chất lượng, gồm: Đông A1, ADI 28, ADI 168, BC15; giống lúa thuần N87, N97, N86; giống lúa lai nhị ưu 838, nhị ưu 63, nghi hương 2308... Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và trung bình, sản xuất đúng khung thời vụ sẽ đảm bảo thời gian luân canh tăng vụ trên đất ruộng.

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân - Ảnh 1.

Cơ cấu chủ yếu là các giống lúa thuần chất lượng, gồm: ADI 168, BC15; giống lúa thuần N87, N97, N86; giống lúa lai nhị ưu 838, nhị ưu 63, nghi hương 2308...Ảnh: Văn Ngọc.

Ông Hoàng Văn Khù, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Lúa xuân trên địa bàn xã đang ở giai đoạn bén rễ hồi xanh - đẻ nhánh. Vì vậy, xã tăng cường cán bộ xuống đồng tuyên truyền, hướng dẫn bà con xuống đồng bón thúc, đảm bảo nguồn nước và tùy vào tình hình thời tiết, sự sinh trưởng của lúa để có phương án trồng thay thế diện tích nếu lúa bị chết.

"Xã vận động nông dân tu sửa, nạo vét kênh mương, chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng của lúa; chú trọng việc bón phân, chăm sóc lúa đúng kỹ thuật. Khuyến cáo bà con tích cực thăm đồng, theo dõi sự sinh trưởng của lúa để có cách chăm sóc đúng quy định và kịp thời phát hiện sâu bệnh. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh hại lúa, những diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét bà con đang chăm sóc" ông Khù nói.

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân - Ảnh 2.

Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, tỉnh Sơn La đã tuyên truyền, vận động nông dân chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo nước tưới tiêu. Ảnh: Văn Ngọc.

Bà Quàng Thị Ún, bản Đông Táu, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) chia sẻ: để đảm bảo cho lúa xuân của gia đình phát triển tốt, tôi ra đồng để bón thúc cho cây lúa mau bén rễ và tỉa dặm, làm cỏ 5.000m2 lúa xuân của gia đình. Tôi cũng tích cực xuống đồng để nắm tình hình sinh trưởng của lúa; thường xuyên nhổ cỏ, nạo vét kênh mương nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho lúa.

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân - Ảnh 3.

Nông dân xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) tích cực xuống đồng thăm cây lúa, kip thời phát hiện sâu bệnh gây hại. Ảnh: Văn Ngọc.

Còn tại xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) hiện 150 ha lúa cũng đang trong giai đoạn đẻ nhánh. ông Lò Văn Qúy, phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) thông tin: Xã đã chỉ đạo các tổ thủy nông thực hiện điều tiết nước hợp lý, luôn duy trì mực nước để bảo đảm lúa bén rễ, khi cây lúa đạt từ 2-3 lá, bà con chủ động đưa nước láng chân, bón thúc và tiến hành tỉa dặm bảo đảm mật. Tuy nhiên, đây là thời điểm có nguy cơ phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại lúa, như: Rầy lưng trắng, sâu đục thân, đốm sọc vi khuẩn... cán bộ khuyến nông đang tích cực cùng bà con các bản thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân - Ảnh 4.

Nông dân xã Mường Bú tiến hành cấy dặm cho diện tích lúa bị ảnh hưởng do thời tiết để đảm bảo mật độ, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng xuất. Ảnh: Văn Ngọc.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Vụ Xuân năm 2022, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 10.798 ha. Với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa thuần chất lượng, gồm:  ADI 168, BC15; giống lúa thuần N87, N97, N86; giống lúa lai nhị ưu 838, nhị ưu 63, nghi hương 2308...  Hiện nay cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, đang ở giai đoạn bén rễ hồi xanh - đẻ nhánh.

Do điều kiện thời tiết trong thời gian vừa qua nắng mưa xen kẽ kết hợp các với các đợt không khí lạnh là những điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại như: Rầy lưng trắng, rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh đốm sọc vi khuẩn...

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân - Ảnh 5.

Hiện nay các diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Sơn La đang sinh trưởng và phát triển tốt, đang ở giai đoạn bén rễ hồi xanh - đẻ nhánh. Ảnh: Văn Ngọc.

Để chủ động phòng chống, nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với lúa vụ Xuân năm 2022. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện công tác điều tra phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại chính trên lúa để chủ động chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, khi bệnh xuất hiện ngừng bón phân đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng. Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc đặc hiệu để phun phòng trừ bệnh, với những ruộng nhiễm bệnh nặng tiến hành phun kép 02 lần, phun trừ lần 2 cách lần 1 khoảng 5-7 ngày. Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc.

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân - Ảnh 6.

Vụ Xuân năm 2022, toàn tỉnh Sơn La đã gieo cấy được hơn 10.798 ha. Ảnh: Văn Ngọc.

Sơn La: Tập trung xuống đồng chăm sóc lúa xuân - Ảnh 7.

Tỉnh Sơn La đã triển khai kịp thời nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất vụ lúa xuân. Ảnh: Văn Ngọc

Đối với bệnh lùn sọc đen, theo dõi sát sao diễn biến của rầy lưng trắng, đặc biệt chú ý phòng, trừ bệnh ở những vũng có nguy có cao. Đối với ruộng lúa bị bệnh ở mức độ nhẹ và rải rác thì tiến  hành nhổ và tiêu hủy cây lúa, khóm lúa bị bệnh phun thuốc trừ rầy lưng trắng để hạn chế lây lan nguồn bệnh sang ruộng khác.

"Tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt như: Điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối, tăng cường bón kali ở giai đoạn đòng - trổ để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất lúa. Tuyên truyền, tập huấn về cách nhận biết và kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh hại lúa. Hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời dịch hại". Ông Định nói.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh