Phát huy lợi thế để phát triển du lịch
Vào những ngày này, đường lên xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) nườm nượp xe ô tô nối nhau chở khách đến "săn" mây. Từ nhiều năm nay, Tà Xùa trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch. Cung đường vùng cao đã và đang trở thành nơi mà du khách lựa chọn. Bà con ở các xã Tà Xùa đến Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng…. đã mạnh dạn đầu tư các loại hình dịch vụ để phát triển du lịch. Ông Mùa A Hồ, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: "Cuối tuần du khách kéo đến săn mây và tìm hiểu đời sống văn hóa của bà con người Mông rất đông. Đây là cơ hội để phát triển du lịch tại địa phương và bà con nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo".
Tà Xùa không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh tuyệt diễm mà ở trong mỗi bản làng cũng biết phát huy lợi thế của mình, đó là người dân tộc Mông. Đến nay, bà con người Mông vẫn giữ được nét văn hóa bản địa. Mỗi khi du khách đến thăm, đặc biệt là với du khách nước ngoài, họ thích tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của bà con người Mông. Anh Nguyễn Văn Hưng (Thành phố Hà Nội), một du khách thường xuyên đến với Tà Xùa, chia sẻ: "Vào các bản Mông, tôi được chìm đắm trong nét sinh hoạt rất đặc trưng của người Mông. Tôi được uống trà shan tuyết, được nghe khèn rồi các điệu múa của người Mông… Đặc biệt là bà con người Mông rất hiếu khách".
Phát triển du lịch gắn với nền văn hóa bản địa đang là lợi thế của những xã vùng cao của huyện Bắc Yên. Ở mỗi bản làng, bà con cũng đã biết gìn giữ và phát huy thế mạnh của mình để làm du lịch. Bà con người Mông ở xã Háng Đồng cũng đã biết mở cửa đón khách. Những ngôi nhà gỗ mang đậm chất văn hóa của bà con được sửa sang sạch sẽ thành nơi lưu trú. Rồi ở mỗi bản có đội văn nghệ. Những nét văn hóa truyền thống như thêu thùa, dệt thổ cẩm, làm giấy dó… cũng được bà con gìn giữ. Đó là lợi thế để bà con phát triển du lịch.
Anh Mùa Nhè Di, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La) đang ấp ủ xây dựng homestay để đón khách. Theo anh Di, vào dịp cuối tuần khách du lịch nối nháu kéo về Háng Đồng rất đông. Các khu lưu trú đều cháy phòng. Nhu cầu du khách đến với vùng cao này ngày một tăng. "Thực hiện chủ trương phát triển du lịch gắn với văn hóa và giúp bà con xóa đói, giảm nghèo của huyện, nhiều hộ dân trong xã cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng để đón khách. Sau mỗi năm, số hộ tham gia làm du lịch ngày một đông. Ngoài việc nâng cao thu nhập từ nguồn lưu trú của khách, bà con người Mông còn có dịp giới thiệu nền văn hóa bản địa và bán được nhiều nông sản đặc trưng của vùng cao", anh Di cho biết.
Trong những năm vừa qua, cơ sở hạ tầng và hệ thống nhà nghỉ lưu trú ở các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Háng Đồng hay Xím Vàng đang dần hình thành một cách chuyên nghiệp hơn. Bản thân những gia đình làm du lịch cũng biết gìn giữ và phát huy phong tục tập quán của dân tộc mình. Đây là lợi thế mà ít nơi có được. Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, huyện Bắc Yên đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Sơn La khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng và trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh chưa được xếp hạng. Đến nay, huyện có 3 di tích được xếp hạng. Trong đó, 2 di tích lịch sử quốc gia, gồm: Di tích khảo cổ quốc gia Bãi đá khắc cổ khe hổ, xã Hang Chú và Di tích lịch sử quốc gia Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn; Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến 99 được xếp hạng cấp tỉnh và 4 di tích được đưa vào danh mục di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh tỉnh Sơn La.
Phối hợp khảo sát trang phục truyền thống, công cụ sản xuất sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông tại các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng; thu thập tư liệu văn hóa dân tộc Mông tại các xã Hang Chú, Tà Xùa phục vụ xây dựng đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Bảo tàng tỉnh Sơn La gắn với du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030".
Lợi thế văn hóa bản địa trong phát triển du lịch
Huyện Bắc Yên có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống và chủ yếu là dân tộc thiểu số, như: dân tộc Mông chiếm 47,12%, dân tộc Thái chiếm 29,82%, dân tộc Khơ Mú chiếm 0,15 %; dân tộc Dao chiếm 2,85%; dân tộc Tày chiếm 0,001%... Mỗi dân tộc đều lưu giữ được nhiều lễ hội văn hóa truyền thống. Đây là lợi thế để họ quảng bá giới thiệu đến với du khách. Bên cạnh đó, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các xã phục dựng các nghi lễ truyền thống, tổ chức các lễ hội: Lễ lập tịch, cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Xên bản, Xên Mường của dân tộc Thái; lễ Gầu tào của dân tộc Mông. Chú trọng khôi phục, phát triển các nghề rèn, làm khèn bè, làm giấy, thêu may trang phục thổ cẩm, nấu rượu Hang Chú, mây tre đan của người Mường, Thái… phục vụ đời sống nhân dân và làm quà lưu niệm cho khách du lịch.
Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ huyện Bắc Yên đã ban hành Đề án về phát triển du lịch huyện Bắc Yên giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của huyện Bắc Yên; phát triển du lịch Bắc Yên theo hướng du lịch xanh và bền vững gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; kết nối du lịch với các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, của quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Yên được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.
Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Yên nhằm định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy được tài nguyên du lịch, lợi thế của huyện với các nội dung triển khai như: Hỗ trợ phát triển đa dạng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của huyện. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đảm bảo môi trường tự nhiên và xã hội trong hoạt động du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích phát triển mạnh các ngành nghề sản xuất, dịch vụ bổ trợ du lịch. Xây dựng các tour du lịch. Phát triển thương hiệu du lịch huyện Bắc Yên; chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Đến năm 2025, huyện Bắc Yên phấn đấu cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Tà Xùa, điểm du lịch sinh thái Pu Nhi, điểm du lịch sinh thái Hồ Sen - Hua Nhàn; điểm trải nghiệm và ngoạn cảnh Sống lưng Khủng Long; các công trình hạ tầng khu di tích Hang A Phủ, di tích Bãi đá Khắc cổ Khe Hổ và các di tích lịch sử khác…
Tính đến 20/11/2024, trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) đón khoảng trên 131.760 lượt khách du lịch, đạt 88% kế hoạch năm. Trong đó: 78.280 lượt khách lưu trú, 53.480 lượt khách đi về trong ngày, 862 lượt khách quốc tế; doanh thu ước đạt 72,02 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch giao năm 2024.
Trong thời gian tới, huyện tập trung khai thác các thế mạnh đặc thù như du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa và khám phá núi non. Việc đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cấp các điểm du lịch nổi bật như "Tà Xùa - thiên đường mây" và phát triển các homestay gắn với văn hóa bản địa sẽ là trọng tâm. Đồng thời, huyện nên tăng cường quảng bá hình ảnh thông qua các kênh truyền thông hiện đại; tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống để thu hút du khách. Song song với đó, cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch. Đây sẽ là hướng đi bền vững, góp phần đưa Bắc Yên trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.