Kết nối các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Sơn La; đại diện huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử của tỉnh Sơn La.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tổng diện tích quy hoạch 206.150 ha, thuộc hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Nơi đây có giá trị tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
Cách Hà Nội khoảng 150km Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vừa là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc, được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch "Qua miền Tây Bắc" trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6.
Hội thảo đã nhận được 15 bài tham luận của các tác giả là nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, nội dung tập dung ở các vấn đề, như: Quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch; đánh giá cảnh quan phục vụ xác lập không gian phát triển du lịch tham quan gắn với di tích lịch sử; giải pháp kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với du lịch huyện Bắc Yên.
Nghiên cứu lịch sử, văn hóa để có các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch góp phần phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; vấn đề quảng bá, tuyên truyền trong kết nối phát triển du lịch Mộc Châu và các di tích lịch sử tỉnh Sơn La; phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh ở tỉnh Sơn La.
Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: Những năm qua huyện Mộc Châu đã phát huy lợi thế, thế mạnh để phát triển du lịch. Bên cạnh đó huyện Mộc Châu duy trì tổ chức nhiều hoạt động và sự kiện quảng bá du lịch, như lễ hội Hết Chá, Cầu mưa, Ngày hội hái quả, liên hoan văn nghệ, thể thao các bản biên giới; Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, giải Marathon đường mòn Việt Nam… thu hút du khách đến với Mộc Châu tham gia trải nghiệm. Đắc biết huyện Mộc Châu đã tập chung đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa để thu hút khách du lịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu được triển khai mạnh mẽ, có sự đầu tư về kinh phí, nâng cao về chất lượng. Ngoài phát huy các ứng dụng mạng xã hội, như: Facebook, twitter, Instagram, Zalo, các website, Mộc Châu còn hoàn thành xây dựng bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360, các video, clip quảng bá về du lịch; xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo nhằm quảng bá du lịch Mộc Châu và thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, tra cứu thông tin, đưa du lịch Mộc Châu đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Vũ Điền Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La cho biết: Việc kết nối giữa các di sản, các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh với các điểm du lịch hấp dẫn sẽ giúp phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa một cách bền vững. Câu chuyện về các di tích khi biết khai thác đúng cách cũng sẽ là yếu tố đặc biệt để thu hút, níu chân du khách đến với mỗi miền đất lịch sử cách mạng của Sơn La. Từ đó, tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, có tính giáo dục cao, tạo dấu ấn, điểm nhấn đối với khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài khi đến với Sơn La.
Ông Phạm Văn Tuấn Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết: Để quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch cần xác định giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của từng di tích để có chiến lược bảo tồn phù hợp; thực hiện các biện pháp tu bổ, chống xuống cấp; áp dụng công nghệ số để theo dõi tình trạng và quản lý di tích. Đẩy mạnh công tác quảng bá di tích, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tái hiện lịch sử, triển lãm văn hóa, hoặc các tour du lịch giáo dục; trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa cho hướng dẫn viên du lịch, và nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn di sản.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 95 di tích lịch sử, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh) và 31 di tích chưa được xếp hạng. Những di tích này gắn liền với lịch sử, văn hóa truyền thống vùng đất, con người Sơn La và được quan tâm, bảo tồn, tu bổ, nâng cấp thường xuyên. Đây là những địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước cho mọi thế hệ và tài nguyên vô giá trong phát triển kinh tế du lịch.