Chú trọng đào tạo nghề để giảm nghèo đa chiều
Việc làm là một trong những mục tiêu trọng tâm để giảm nghèo đa chiều bên cạnh y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Tích cực giải quyết thiếu hụt việc làm, huyện Bắc Yên đã quan tâm triển khai công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.
Trong năm 2024, huyện Bắc Yên đã phối hợp với Trường Cao đẳng than khoáng sản Việt Nam và các công ty doanh nghiệp tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển chọn lao động đi học và làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Huyện đã tổ chức thành công ngày hội việc làm huyện Bắc Yên lần thứ ba năm 2024 với 21 gian hàng, 19 doanh nghiệp và trên 1.200 lao động tham dự ngày hội. Huyện cũng đã đào tạo nghề nông nghiệp cho hàng trăm lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động thuộc dân tộc thiểu số...
Kết quả, Bắc Yên đã hỗ trợ giải quyết, tạo việc làm 2.506 lao động, vượt 67,07% so với kế hoạch giao trong 9 tháng đầu năm 2024. Đến tháng 10/2024, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội là 67,2%. Trên địa bàn huyện có hơn 51% lao động qua đào tạo, hướng nghiệp, khoảng 26% có văn bằng, chứng chỉ. Hơn 25% tương ứng với gần 11.000 người lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Thông qua các buổi tập huấn, đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn đã được nâng cao tay nghề, qua đó, cải thiện hiệu suất công việc, gia tăng thu nhập. Điển hình như anh Mùa A Châu, tại bản Tà Xùa, xã Tà Xùa. Sau khi được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè, anh Mùa A Châu và bà con bản Tà Xùa đã nắm được nhiều kỹ thuật quan trọng như đốn tỉa, quy trình bón phân, thu hoạch chè để đảm bảo năng suất mà cây chè vẫn phát triển tốt. Áp dụng đúng kỹ thuật, vườn chè nhà anh Châu cho búp to hơn, năng suất cao hơn.
"Với hơn 3ha chè Shan Tuyết, hàng năm tôi đã có thể thu hoạch khoảng 2,5 tấn chè búp tươi. Từ đó, có thể chế biến được 5 tạ chè búp khô, với giá bán từ 300.000 - 900.000 đồng/kg", anh Châu chia sẻ.
Tạo việc làm, tăng thu nhập từ việc phát triển các mô hình kinh tế
Trên địa bàn huyện Bắc Yên có 52 HTX đã đăng ký hoạt động. Trong đó, có 31 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 10 HTX được cấp chứng nhận VietGAP; 10 HTX có bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; 4 HTX có hệ thống tưới ẩm ứng dụng công nghệ cao. Trong số 52 HTX đăng ký, có 43 HTX đang hoạt động và 9 HTX đang tạm ngừng hoạt động.
Là một trong số những HTX đang hoạt động hiệu quả của huyện Bắc Yên, HTX nông nghiệp và bảo tồn văn hóa dân tộc - Pla, bản Tà Xùa, xã Tà Xùa đang tạo việc làm cho nhiều lao động trong bản, xã, huyện. Hiện HTX có 17 thành viên, đa số là bà con dân tộc Mông. Sản phẩm chủ lực của HTX là chè Shan Tuyết cổ thụ và khoai sọ tươi, đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao, VietGAP.
Anh Mùa A Lệnh, Giám đốc HTX nông nghiệp và bảo tồn văn hóa dân tộc - Pla, cho biết: Tuy mới thành lập từ năm 2023 nhưng mô hình của hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ gia đình trong bản, huyện. Các hộ liên kết sản xuất theo quy trình chung nên đầu ra sản phẩm không chỉ đạt yêu cầu về chất lượng mà còn đảm bảo quy mô. Nhờ vậy, đầu ra tiêu thụ nông sản của HTX cũng được mở rộng hơn so với kinh doanh nhỏ lẻ thông thường, đỡ nỗi lo "mất mùa được giá".
Các mô hình kinh tế, trong đó có các mô hình kinh tế tập thể, HTX không chỉ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động mà còn gia tăng thu nhập, góp phần đảm bảo sinh kế bền vững cho người lao động nông thôn. Theo ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, tại huyện Bắc Yên, doanh thu trung bình một HTX hiện tại ước đạt 800 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân một lao động của HTX ước đạt 48 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập tương đương với thu nhập bình quân đầu người của xã nông thôn mới tỉnh Sơn La năm 2025.