Rượu Hang Chú - đặc sản vùng cao Bắc Yên
Dịp cuối năm, chúng tôi có cơ hội về Hang Chú, một xã cùng cao yên bình và độc đáo của huyện Bắc Yên (Sơn La). Nơi đây không chỉ cuốn hút bởi cảnh quan núi rừng hùng vĩ, không khí trong lành mà còn bởi một đặc sản đặc sắc mang nét độc đáo rất riêng với hương vị đặc trưng của vùng cao Bắc Yên. Đó là rượu Hang Chú, một loại rượu được bà con người Mông ở xã Hang Chú sản xuất và loại rượu này hoàn toàn sản xuất bằng thủ công.
Tâm sự với chúng tôi, ông Giàng A Tủa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Ngày xưa, rượu Hang Chú chỉ được chưng cất trong các dịp đặc biệt như các ngày lễ, Tết,… để thờ cúng tổ tiên cũng như tiếp đón những vị khách quý. Và rượu này còn kết hợp với một số thảo dược để sử dụng làm thuốc chữa bệnh về xương khớp, khó ngủ, đau vai gáy...".
Rượu Hang Chú được chưng cất theo phương pháp truyền thống của người Mông. Nguyên liệu được sử dụng là một loại thóc nương có tên là "thóc Mổ", do người dân trên địa bàn xã Hang Chú trồng. Trước khi chưng cất, người dân tiến hành rửa sạch thóc, ủ thóc mọc mầm rồi tiến hành nấu cách thủy 4-5 giờ cho thóc chín đều. Sau đó được để nguội và tiến hành ủ bằng men lá rừng theo công thức gia truyền tối thiểu 20 ngày rồi đưa vào chưng cất rượu. Rượu Hang Chú được đem ra sử dụng sau 1 năm cho vào chum và hạ thổ dưới đất. Vị rượu cay nồng, ngọt nhẹ hòa quyện cùng mùi thơm thoang thoảng tạo nên trải nghiệm khó quên cho người thưởng thức. Trong những buổi chiều se lạnh, cùng ngồi quây quần bên bếp lửa, thưởng thức rượu Hang Chú và nghe người dân chia sẻ về đời sống, phong tục, ta càng thêm thấm thía sự ấm áp của tình người nơi vùng cao.
Ông Tủa cho biết thêm: "Rượu Hang Chú đã có truyền thống rất lâu đời rồi. Để giữ được nét đẹp rượu truyền thống, xã cũng đã tuyên truyền đến bà con và các lò nấu rượu phải lựa chọn nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo chất lượng, làm tốt quy trình nấu rượu để đảm chất lượng trước khi cung cấp ra thị trường và người tiêu dùng. Từ đó, giữ và phát triển nghề truyền thống rượu Hang Chú, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo".
Việc phát triển nghề sản xuất rượu Hang Chú không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần tạo công ăn việc làm tại địa phương. Các hộ gia đình có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, kết hợp với kỹ thuật sản xuất truyền thống để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho rượu Hang Chú, đăng ký chỉ dẫn địa lý và kết nối với các kênh tiêu thụ trong và ngoài huyện sẽ mở rộng cơ hội phát triển kinh tế.
Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ huyện Bắc Yên đã ban hành Đề án về phát triển du lịch huyện Bắc Yên giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của huyện Bắc Yên; phát triển du lịch Bắc Yên theo hướng du lịch xanh và bền vững gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huyện Bắc Yên đã chỉ đạo xã Hang Chú xây dựng kế hoạch, tạo thương hiệu, nhãn mác cho rượu Hang Chú.
"Rượu Hang Chú cũng đã xây dựng thành viên để thành lập tổ, nhóm nấu rượu. Vừa rồi được sự quan tâm của tỉnh, của huyện mở lớp tập huấn, để làm nhãn hiệu rượu Hang Chú, để được công nhận, tránh tình trạng rượu giả, kém chất lượng bán ra thị trường. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện và 60 năm ngày thành lập huyện Bắc Yên vừa qua, rượu Hang Chú được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu", ông Tủa cho biết thêm.
Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm rượu Hang Chú, huyện Bắc Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ để phát triển nghề sản xuất rượu Hang Chú một cách bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện được điều đó, huyện Bắc Yên cần khuyến khích người dân tham gia các hợp tác xã, nhằm tập trung sản xuất, kiểm soát chất lượng, và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ mới, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu tác động môi trường; tổ chức các chương trình hội thảo, hội chợ đặc sản, hoặc xây dựng sàn thương mại điện tử để giới thiệu và đưa sản phẩm rượu Hang Chú đến với thị trường trong và ngoài tỉnh; đầu tư xây dựng các tour du lịch khám phá làng nghề rượu Hang Chú, cho phép du khách trải nghiệm các công đoạn nấu rượu, qua đó tạo ra giá trị gia tăng từ du lịch.