Hệ luỵ do thiếu hiểu biết pháp luật
Bắc Yên là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Huyện có 07 dân tộc anh em cùng sinh sống và chủ yếu là dân tộc thiểu số, với dân số hơn 70 nghìn người, trong đó: dân tộc Kinh chiếm 4,14%, dân tộc Mông chiếm 47,12%, dân tộc Thái chiếm 29,82%, dân tộc Mường chiếm 15,92%, dân tộc Khơ Mú chiếm 0,15 %; dân tộc Dao chiếm 2,85%; dân tộc Tày chiếm 0,001%. Trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Xuất phát từ điều kiện cư trú, trình độ nhận thức hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, tập quán lạc hậu… là những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, điều đó đã gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng sâu sắc đến cá nhân, gia đình và xã hội. Làm gián đoạn quá trình học tập, phát triển tâm lý sinh lý của trẻ, khiến họ không được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để xây dựng cuộc sống bền vững. Đây cũng là những hành vi vi phạm pháp luật và trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là những hủ tục lạc hậu, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam; gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng dẫn đến đói nghèo, lạc hậu".
Ở tuổi 17, sau 2 năm về nhà chồng, làm mẹ của đứa con 2 tuổi, gánh nặng trên vai em là đứa con thơ; tuy đã chung sống với nhau như vợ chồng bởi hậu quả của việc tảo hôn nên không đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Em Thào Thị Sênh, bản Bụa A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên (Sơn La), tâm sự: "Em đi lấy chồng lúc 15 tuổi, đang học lớp 10 phải bỏ học. Cuộc sống không như em tưởng, lúc nào cũng khó khăn, em cũng chưa biết làm gì để nuôi con".
Với chị Sồng Thị Máy, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên (Sơn La), do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị chỉ học hết lớp 3, bố mẹ bắt phải bỏ học để lao động, phụ giúp gia đình việc nhà. Năm 14 tuổi chị đi theo chồng, một năm sau chị sinh con đầu lòng, nhưng vì cơ thể mẹ non nớt, sức khỏe yếu nên sinh non và con qua đời sau 7 ngày tuổi. Đến nay, chị đã sinh thêm 2 người con, cháu lớn học lớp 2. Chị Máy tâm sự: "Đi lấy chồng sớm khi tôi mới 14 tuổi, sinh con đầu lòng chỉ sống được 6-7 ngày tuổi thì mất; lấy chồng sớm khổ đủ đường, vừa phải lo cho chồng, chăm sóc con cái".
Thực tế này đã và đang để lại nhiều hệ lụy, khiến người dân khó thoát vòng luẩn quẩn "lấy vợ, lấy chồng sớm - sinh nhiều con - đói nghèo". Ông Bạch Văn Hoành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Năm 2021, huyện ghi nhận 116 trường hợp tảo hôn, năm 2022 giảm còn 92 trường hợp, năm 2023 tăng 131 trường hợp, 9 tháng qua, ghi nhận 54 trường hợp tảo hôn, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống".
Đưa pháp luật vào đời sống
Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong hôn nhân, thời gian qua, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã tham mưu giúp UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) và Hội đồng PHPBGDPL huyện xây dựng, ban hành các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo đề án Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La) đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn trong toàn huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp phong tục tập quán và nhận thức của người dân.
Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: "Phía Phòng Dân tộc, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với Phòng Tư Pháp, Trung Tâm Y tế tổ chức các hội nghị tuyên truyền, trước mắt là tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ bản, tiểu khu về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa đến các trường THCS, THPT về tác hại của tảo hôn và Luật hôn nhân gia đình".
Từ nguồn kinh phí được giao, Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La) xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn tại các xã trên địa bàn huyện về kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật về hôn nhân, gia đình và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, đã tổ chức 04 lớp tập huấn với 214 đại biểu tham gia. Năm 2024, xây dựng Kế hoạch, tổ chức tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống qua hình thức sân khấu hóa cho 09 điểm trường THCS, THPT có đông đồng bào dân tộc thiểu số đến các em học sinh đang tuổi vị thành niên nhằm nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, về sức khỏe sinh sản, trang bị kiến thức về Luật hôn nhân gia đình".
Là cơ quan Thường trực của Hội đồng PHPBGDPL đã tích cực trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp Luật, Phòng Tư pháp huyện Bắc Yên (Sơn La) ban hành và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hộ tịch nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2024 trên địa bàn xã Pắc Ngà, Hua Nhàn và Hang Chú, Xím Vàng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "thông qua các hội nghị tuyên truyền, chúng tôi giúp người dân nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng của tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế và sự phát triển của thế hệ sau. Chúng tôi cũng nhận thấy, người dân dần hiểu biết hơn, trên địa bàn huyện hiện tại hôn nhân cận huyết không còn trường hợp nào và tảo hôn thì giảm nhiều so với các năm trước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, để từng bước xóa bỏ những tập quán lạc hậu và xây dựng một cộng đồng văn minh, phát triển bền vững".
Những năm qua, các cấp, ngành chức năng huyện Bắc yên (Sơn La) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Đồng thời, kiên quyết trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết từng bước giảm thiểu và đẩy lùi nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết góp phần nâng cao nhận thức, chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.