Clip: Đồng bào dân tộc Mông xã biên giới Chiềng Tương nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Đồng bào dân tộc Mông hiểu biết pháp luật
Cuối thu, khi những nương ngô, nương dong riềng đến kỳ thu hoạch, chúng tôi có dịp trở lại Chiềng Tương, xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Yên Châu, Sơn La. Có những bản cách trung tâm xã cả chục cây số. Đường giao thông đi lại khó khăn. Trình độ dân trí chưa đồng đều.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: Xã Chiềng Tương có 9 bản, hơn 900 hộ, hơn 4.500 nhân khẩu với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Xã có 19km đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào. Thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào các loại cây trồng trên nương, nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, dân cư phân bố không đồng đều, hiểu biết pháp luật của người dân một số bản còn hạn chế.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Chiềng Tường, để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao hiểu biết pháp luật của đồng các dân tộc trên địa bàn, UBND xã Chiềng Tương đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về triển khai công tác tư pháp; thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, tiếp cận pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Với những kế hoạch đã đề ra, xã Chiềng tương đã đồng bộ các giải pháp để tuyên truyền, phố biến pháp luật cho người dân với hình thức đa dạng, phong phú như: Tập huấn kết hợp hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân, lắp đặt pa nô tuyên truyền, chiếu phim ảnh liên quan một số vấn đề pháp luật; tập huấn cho các già làng, người có uy tín trong cộng đồng... Từ đó, giúp nâng cao khả năng phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân.
Dựa trên những đặc thù của đồng bào khu vực miền núi, xã đã tập trung nội dung tuyên truyền vào các nhóm chủ yếu như: Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật tiếp công dân; Luật đất đai năm 2014; Luật bảo vệ môi trường; Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; Thi hành án dân sự; Phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã; Luật hộ tịch; Luật biên giới.
Theo chân cán bộ xã Chiềng Tương, chúng tôi đến bản Pa Kha 2, xã Chiềng Tương. Bản có hơn 100 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đến đây, chúng tôi cảm nhận được sự bình yên của một bản làng vùng cao biên giới. Đường giao thông đã được bê tông hóa, trước cửa mỗi nhà được treo lá cờ tổ quốc; người dân chung sống hòa thuận, cùng bảo ban nhau phát triển kinh tế.
Tiếp chúng tôi, ông Giàng Lao Khai, người có uy tín trong bản Pa Kha 2 chia sẻ: Bà con ở trong bản đây đều là người Mông hết. Nhờ được các cấp, các ngành quan tâm, vận động, tuyên truyền giáo dục pháp luật, ai cũng ý thức về chấp hành tốt. Đến nay, tình hình an ninh trật tự trong bản đều được giữ vững. Trong bản không còn tệ nạn xã hội, trộm cắp nữa. Mọi người đều nhắc nhở tuyên truyền nhau chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật.
“Trước tiên, mình là người già, người có uy tín trong bản, mình phải gương mẫu chấp hành pháp luật trước, có như vậy người dân trong bản mới tin và làm theo mình. Trước kia trong bản còn có một số đôi vợ chồng còn cãi vã nhau. Mình biết, mình đến vận động cho họ, họ hiểu và không cãi nhau nữa, cùng nhau làm ruộng, làm nương vươn lên làm giàu”.
Còn đối với anh Dừ Lao Phóng, bản Bom Khốc, xã Chiềng Tương chia sẻ: Mình sinh ra và lớn lên ở Chiềng Tương cũng là khu vực biên giới nữa. Sau khi được cán bộ tuyên truyền về pháp luật, mình biết được, mình không vi phạm pháp luật, không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, không vượt biên trái phép. Hai vợ chồng mình cùng bảo nhau trồng ngô, trồng cây ăn quả, có như vậy mới có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày, có tiền lo cho con đi học được.
Nhiều giải pháp tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc
Ông Thào Lao Dống, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, xã Chiềng Tương đã tổ chức 4 đợt đi tuyên truyền trực tiếp tại bản với hơn 900 lượt người dân được phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền trong các hội nghị của huyện với 1000 lượt người được tiếp cận các kiến thức về chính sách, pháp luật.
Phát 400 tờ rơi, tờ gấp về giáo dục pháp luật, bình đẳng giới, tảo hôn, buôn bán người và các lĩnh vực khác. Phối hợp với Đồn Biên phòng 465 tiến hành phát nhiều băng đĩa, tờ rơi tuyên truyền Luật Biên giới, Luật Mua bán người, Luật Hình sự; Luật Bình đẳng giới... Trực tiếp phát hơn 110 các đầu sách pháp luật và 180 tờ rơi cho 3 bản xã Chiềng Tương.
Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Sơn La tuyên truyền về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống với hơn 100 người tham dự. Tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền tại các bản Pa Kha 1, bản Bó Hin, bản Pom Khốc, Pa Kha 3 về các thủ tục hành chính của UBND xã với 600 lượt người tiếp cận.
Cũng theo Phó Chủ tịch xã Chiềng Tương, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục đến với người dân, xã Chiềng Tương tiếp tục bám sát các văn bản hướng dẫn của cấp trên để xây dựng ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo yêu cầu tiến độ và đạt hiệu quả thiết thực, thực tế tại địa phương.
Tổ chức các hội nghị tuyên truyền theo kế hoạch, chương trình đã đề ra và theo hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Tổ chức tổng kết công tác nhằm đánh giá các ưu điểm, nhược điểm, rà soát, sàng lọc nhân rộng hình thức, mô hình thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả; động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các bản trên địa bàn xã Chiềng Tương. Nhờ đó, đại bộ phận nhân dân phấn khởi, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, bảo vệ “phên dậu” của Tổ quốc.