Clip: Nông dân vùng cao Yên Châu thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân
Hội viên nông dân có thu nhập cao từ các phong trào
Những năm qua, các cấp hội nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) đã triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân, tạo ra nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội viên nông dân Quàng Văn Xuân, dân tộc Thái, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu (Sơn La) được hỗ trợ từ hội nông dân, gia đình ông đã mạnh dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển cây ăn quả, nhờ vậy gia đình ông đã có thu nhập ổn định. Ông Xuân chia sẻ: Gia đình tôi đã thành công nhờ ghép mắt 2 ha cây xoài tròn đặc sản bản địa, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Bên canh đó, gia đình còn triển khai trồng thêm 1.000 gốc xoài Đài Loan trên sườn đồi, hiện đã cho thu hoạch quả.
"Được hỗ trợ từ Hội Nông dân, gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện, xã tổ chức về hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây ăn quả… vườn xoài của gia đình tôi luôn phát triển tốt, riêng vụ năm 2022, gia đình tôi thu trên 20 tấn xoài tròn, xoài Đài Loan, thu về hơn 400 triệu đồng", ông Xuân nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Trong những năm qua để thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân, Hội Nông dân huyện Yên Châu đã đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn đã nâng cao nhận thức của hội viên nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết giá trị bền vững.
Qua đó, chất lượng các sản phẩm nông dân làm ra đảm bảo chất lượng, hàng năm, sản phẩm quả: Xoài, nhãn, mận hậu, chuối, chanh leo của huyện Yên Châu đã được xuất khẩu sang thị trường các nước như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Châu Âu. Sản phẩm của nông dân được nhiều nước biết đến và tiêu dùng ở các thị trường trong nước như: Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Sản phẩm nhãn, mận hậu của huyện được đưa vào xuất ăn của hãng hàng không Việt Nam.
Phát huy những kết quả đạt được từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần thúc đẩy, phát triển các loại cây ăn quả chủ lực của huyện Yên Châu. Yên Châu cơ bản đã hình thành rõ vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa (xoài, nhãn, chuối tập trung phát triển tại các xã vùng thấp, dọc tuyến đường Quốc lộ 6; cây mận hậu phát triển tại các xã vùng cao, biên giới).
Bên cạnh đó, việc các hội viên nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển cây ăn quả được quan tâm đầu tư, hiện nay trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; có khoảng 1000 ha cây ăn quả được tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt; công tác quảng bá xúc tiến thương mại được tăng cường, bước đầu hình thành được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm quả.
Từ những cánh làm đó đã giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ, nâng cao thu nhập. Kết quả hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, giai đoạn 2018 - 2023 là 1.436 hộ (Trong đó: Cấp xã, thị trấn: 926 hộ, chiếm 68,09%; cấp huyện: 355 hộ, chiếm 23,33%; cấp tỉnh: 133 hộ, chiếm 9,26%; cấp Trung ương: 19 hộ, chiếm 1,32 %).
Triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân
Cũng theo ông Hải, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân, từng bước nâng cao thu nhập cho hội viên. Hội Nông dân huyện Yên Châu sẽ tiếp tục duy trì, phát triển, nhân rộng và phải thực hiện theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, an toàn sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, chú trọng phát triển các đối tượng là sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm đặc thù của huyện, của từng địa phương.
Tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, xây dựng và thực hiện các mô hình chuyển giao kỹ thuật thích ứng với điều kiện khí hậu, thị trường, giúp nông dân, phát triển sản xuất, tạo nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ, nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo và làm giàu ngay trên chính những ruộng, vườn, đồi, ao, chuồng của mình.
Để những mô hình sản xuất mới được thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đòi hỏi khi xây dựng mô hình cần gắn với thị trường, mối liên kết “6 nhà” (Nhà nước; Nông dân; Nhà khoa học; Doanh nghiệp; Ngân hàng; Nhà phân phối).
Đối với những mô hình kinh tế hiệu quả do doanh nghiệp, người sản xuất tự tìm tòi, xây dựng thì Hội Nông dân phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cần tổ chức cho nông dân tham quan, học tập cùng với sự hỗ trợ khác về vốn vay, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…để nhân rộng trong cộng đồng dân cư.