Clip: Yên Châu phủ xanh đất đồi bàng cây ăn quả
Cây ăn quả giúp nông dân Yên Châu thu nhập cao
Vài năm trước đây, khi nhắc đến huyện Yên Châu (Sơn La) người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất hoang sơ và khô cằn. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn,… Trở lại Yên Châu hiện tại, vùng đất đã hoàn toàn thay đổi. Đất đồi, vườn tạp được phủ xanh bởi cây ăn quả như: xoài, chuối, nhãn, mậm,… Thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, đời sống ngày càng được ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Đến thăm mô hình trồng na sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bản Phương Quỳnh, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La) bắt đầu chuyển đổi từ năm 2022. Ông Sơn chia sẻ: Trước đây diện tích đất 8000m2 này của gia đình ông trồng toàn bộ na dai. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao và đầu ra chưa được ổn định. Qua tìm hiểu, thăm quan ở một số nơi, gia đình đã quyết định cắt ghép cải tạo toàn bộ diện tích na dai của gia đình bằng giống na sầu riêng. Vừa làm vừa đúc rút và học hỏi kinh nghiệm, sau hơn một năm cải tạo vụ na sầu riêng đầu tiên đã cho thu hoạch vơi hiệu quả kinh tế khá tốt.
"Qua thăm quan một số mô hình trồng na sầu riêng, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi đầu tư mắt ghép và ghép chuyển đổi từ tháng 2/2022. Đến nay đã cho thu hoạch, gia đình cảm nhận cây na sầu này rất là phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Về chăm sóc thì na sầu này cũng giống như na dai, tuy nhiên na sầu này thì yêu cầu phân bón loại cao cấp hơn, để cho hiệu quả, chất lượng tốt hơn. Dự kiến mảnh đất này của tôi khoảng 8000m thôi nhưng dự kiến thu về khoảng 400 triệu", ông Sơn nói.
Còn đối với, HTX nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, năm 2017 HTX được thành lập. Sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã phát triển lên 38 thành viên, quy mô sản xuất 100 ha cây ăn quả, trong đó, 60 ha cây xoài tròn bản địa.
Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian qua, HTX đã đầu tư, cải tạo các vườn xoài cổ thụ, triển khai trồng mới giống xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng đã qua tuyển chọn và áp dụng kỹ thuật trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo sản phẩm quả xoài to, mã đẹp hơn. Cũng theo ông Xuân, với chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp, đây là nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ đắc lực cho việc sản xuất xoài sấy dẻo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Xoài tròn của HTX được đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm thu hái đến đâu là bán hết đến đó. Vụ năm nay, do mưa axit nên ít quả hơn, bởi vậy hết vụ HTX thu được trên 50 tấn xoài với giá trung bình từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, giá bán cũng cao hơn từ 5-7 nghìn đồng so với năm trước", ông Xuân nói.
Yên Châu phát triển cây ăn quả chất lượng cao, bền vững
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Huyện Yên Châu có trên 11.400 ha cây ăn quả, trong đó, có 787 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 1.140 ha được cấp mã số vùng trồng với các loại cây ăn quả chủ lực, như: Xoài 384 ha, nhãn 694 ha, mận 30,5 ha, chuối 32 ha.
Để phát triển cây ăn quả bền vững, đem lại thu nhập cho người nông dân. Huyện Yên Châu đã tập chung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các HTX, nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; xác định các khu vực sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận động nông dân sản xuất nông sản đảm bảo về sản lượng, chất lượng tuân theo đúng quy trình, hướng dẫn chăm sóc, trong đó có bón phân của cơ quan chuyên môn. Quản lý trên 773 ha cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện công tác quản lý, giám sát 67 mã số vùng trồng cho trên 1.140 ha cây ăn quả các loại.
Bên cạnh đó, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn làm tốt công tác quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản, như "Xoài tròn Yên Châu", "Chuối Yên Châu". Tăng cường quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương.
Nhiều HTX, hộ gia đình đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là các biện pháp đốn tỉa, tạo tán, bao trái phòng, chống sâu bệnh, đầu tư các hệ thống tưới chủ động… tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Diện tích cây trồng trên địa bàn được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tăng dần, hình thành được nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, như các mô hình chăm sóc mận, nhãn rải vụ tại các xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài; mô hình chăm sóc xoài theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Hặc; mô hình phát triển dâu tây, lê tai nung tại xã Phiêng Khoài.
Cùng với đó, để đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng trái cây cho nhân dân, ngay từ đầu năm, huyện đã giao các cơ quan chuyên môn, UBND các xã làm việc với các HTX, các doanh nghiệp thu gom đầu mối để tiếp tục duy trì các bạn hàng truyền thống cũng như giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản của Yên Châu đến với bạn hàng trên cả nước.
Tổ chức các lớp tập huấn bán hàng online trên nền tảng số, hệ thống siêu thị điện tử. Để giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, huyện đã chủ động kết nối với bạn hàng đưa sản phẩm vào chế biến; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư nhà lạnh, kho lạnh bảo quản nông sản.