dd/mm/yyyy

Yên Châu: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái

Những năm qua, huyện Yên Châu (Sơn La) đẩy mạnh việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, địa phương này đã làm tốt công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc Thái.

Clip: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái

Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái

Dệt vải thổ cẩm là một nghề truyền thống, có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Thái. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay nghề dệt thủ công truyền thống của người Thái trên địa bàn xã Chiềng Sàng cũng như tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) đang dần bị mai một. Để gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, xã Chiềng Sàng đã luôn trú trọng việc phục dựng, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái.

Bật bông, xoắn, cán, se sợi, quay thành búp… là những công đoạn ban đầu để có thể tạo ra những tấm vải thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, đang được các chị em hội viên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái xã Chiềng sàng (Yên Châu, Sơn La) thực hiện tại các buổi sinh hoạt định kỳ. Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở Yên Châu đã có từ lâu đời.

Yên Châu: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái - Ảnh 2.

Những người phụ nữ Thái Yên Châu (Sơn La) kéo sợi, dệt vải. Ảnh: Hoàng Dương

Để dệt được những tấm thổ cẩm ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ từ khâu chọn nhặt bông nở đến se sợi, nhuộm màu, thêu hoa văn thật khéo léo. Trước kia, theo quan niệm truyền thống của người Thái: "gái biết dệt vải, trai biết đan chài". Do đó, ngay từ khi còn nhỏ các bé gái đã được các bà, các mẹ dạy cách nhuộm vải, se tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm, may vá… và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái trước khi về nhà chồng.

Bà Hoàng Thị Hoa, CLB bảo tồn Văn hóa Thái xã Chiềng Sàng (Yên Châu, Sơn La) chia sẻ: Khung cửi này là khung cửi dệt "Hục khuýt", để làm thổ cẩm này thì cần có nguyên liệu bông, sợi, sau khi dệt xong thì có thể làm khăn " khuýt" để trao, tặng cho các con, cháu sau này đi lấy chồng làm quà tặng cho họ nhà trai hoặc quà tặng cho các buổi giao lưu. Từ cây bông từ trên nương, trên rẫy về chúng tôi làm thành sợi, cán thành bông, kéo sợi để làm nên thổ cẩm này.

Yên Châu: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Hoa, CLB bảo tồn Văn hóa Thái xã Chiềng Sàng (Yên Châu, Sơn La) bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh: Hoàng Dương

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, em Quàng Thị Thanh Huyền, xã Chiềng Sàng (Yên Châu, Sơn La) cùng với các bạn trong bản, trong xã đã thường xuyên theo các bà, các mẹ tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái. Không chỉ được các bà, các mẹ giới thiệu về nghề dệt, thêu thùa của đồng bào dân tộc Thái mà còn được trực tiếp thực hiện các bước để tạo ra mảnh vải thổ cẩm truyền thống, được hướng dẫn thêu những họa tiết độc đáo trên chiếc khăn piêu.

Em Quàng Thị Thanh Huyền, chia sẻ: Cháu được các bà, các mẹ, các chị dạy cho cách dệt vải thổ cẩm, cháu cảm thấy các sản phẩm làm ra nó đẹp, nhiều nét đặc sắc. Cháu cùng với các bạn sẽ cố gắng phấn đấu học hỏi để lưu giữ nghề dệt vải thổ cẩm của dân tộc Thái mình.

Vải thổ cẩm của người Thái được thêu dệt với nhiều hoa văn hoạ tiết độc đáo như hình quả trám, hình cây cối, hoa lá, chim muông hết sức gần gũi với con người và thiên nhiên. Cũng là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc Thái để tạo nên những bộ trang phục áo, váy, khăn piêu, chăn, túi đeo, đệm ngồi... Những sản phẩm từ vải thổ cẩm là một bức tranh sống động phản ánh đời sống sinh hoạt của người Thái, ẩn chứa những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, được thể hiện thông qua sự sáng tạo và khéo léo của những người phụ nữ Thái.

Yên Châu: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái - Ảnh 4.

Em Quàng Thị Thanh Huyền, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (áo xanh) học cách kéo sợi. Ảnh: Hoàng Dương

Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Thái

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Thoát, Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hóa Thái xã Chiềng Sàng, (Yên Châu, Sơn La) Chia sẻ: Chúng tôi rất là trăn trở, thành lập CLB phục dựng, phục hồi những gì liên quan đến bản sắc dân tộc mà ông cha ta đã để lại. Chúng tôi đã khôi phục, sưu tầm những đồ dệt vải của cha, ông ngày xưa. Bây giờ phai một rất là nhiều, giờ người dân cũng không còn nữa, chúng tôi cũng phục dựng được nghề dệt vải, từ khung cửi, kéo sợi, cán sợi để không bị mai một.

Yên Châu: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái - Ảnh 5.

Những người phụ nữ Thái Yên Châu (Sơn La) thêu khăn piêu. Ảnh: Hoàng Dương

Sau này CLB này sẽ là nòng cốt làm mô hình trải nghiệm cho các cháu học sinh các trường, không những trong xã mà trên địa bàn toàn huyện. Không chỉ nghề dệt thổ cẩm, chúng tôi cũng kèm theo cả thêu khăn piêu, đan lát, hát Thái, xây dựng mô hình nhạc cụ. Làm sao là lưu giữ được tiếng nói, người Thái là phải biết nói tiếng Thái. Chúng tôi không những khôi phục lại nghề truyền thống, chúng tôi khôi phục lại trang phục, ăn mặc, tiếng nói và chữ viết.

Yên Châu: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái - Ảnh 6.

Huyện Yên Châu (Sơn La) gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Hoàng Dương

Nghề truyền thống trồng bông dệt vải đang được xã Chiềng Sàng quan tâm gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Vậy nhưng hiện nay, một số ít người dân trên địa bàn xã mới đang làm ra sản phẩm chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình, chứ chưa phát triển rộng thành sản phẩm hàng hóa. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hy vọng trong tương lai không xa, những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Thái nơi đây sẽ được lan tỏa đến với đông đảo du khách trong và ngoài huyện.

PV Tây Bắc