dd/mm/yyyy

Yên Châu: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La, huyện Yên Châu tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực để vượt khó xây dựng nông thôn mới. Với những nội dung, việc làm cụ thể, đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Clip: Tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới ở Yên Châu

Từng bước xây dựng nông thôn mới

Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ và nhân dân huyện Yên Châu (Sơn La) đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn khu vực miền núi có những thay đổi tích cực.

Cách trung tâm huyện 45km, Lóng Phiêng là xã vùng III biên giới có 3,09km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Lóng Phiêng có 10 bản với 4 dân tộc chủ yếu (Kinh, Thái, Xinh Mun, Mông), 1.422 hộ và 5.438 nhân khẩu.

Sau hơn chục năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Lóng Phiêng đã có nhiều đổi thay, cơ sở vật chất được đầu tư, đời sống của người dân ngày càng được nâng nao.

Yên Châu: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Lóng Phiêng là một trong những xã biên giới của huyện Yên Châu (Sơn La).Ảnh: Văn Ngọc

Ông Vì Văn Chăm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Mùa, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nói chung là bước đầu tiên cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhưng được Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, cả bản cùng nhau họp và tuyên truyền về lợi ích của con đường để phát triển kinh tế xã hội cho bản, cho nhân dân. Từ đó, người dân đã hiểu và cống hiến đất, cây cối... để làm đường, xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Đảng ủy, HĐND-UBND xã Lóng Phiêng đã tiếp thu đầy đủ và kịp thời triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã hiểu rõ về Chương trình xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng bản, xã, gia đình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Yên Châu: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Nhân dân huyện Yên Châu góp ngày công xây dựng đường giao thông. Ảnh: Văn Ngọc

Đến năm 2023, thu nhập đạt 42,3 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạ 85 triệu đồng/ha. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 21%. Trên địa bàn xã có 07 Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Về phát triển nông nghiệp hộ gia đình cá thể, trên địa bàn xã cũng đã phát triển các mô hình cho thu nhập cao như: Mận hậu trái vụ, nhãn chín muộn… với tổng diện tích cây ăn quả là 1.483 ha; diện tích cho thu hoạch trên 1.068 ha, giá trị trung bình đạt 181 triệu đồng/ha. Về phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm: Hàng năm duy trì 32.507 con; trong đó đàn gia súc: 9.204 con.

Đến nay, xã Lóng Phiêng đã hoàn thành xây dựng tổng chiều dài các tuyến đường là 10,89km, đạt 80,14%; đường ngõ, xóm 6,4km đạt 71,5%. Tổng kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng các công trình về giao thông từ năm 2013 đến năm 2023 là: 67.191 triệu đồng. Đến nay, xã đã cơ bản xóa được 83 nhà tạm nhà dột nát. Hộ nghèo giảm rõ rệt, đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo xã còn 12,83%.

Yên Châu: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Nông dân xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Yên Châu có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Sặp Vạt và Lóng Phiêng đã đạt 19 tiêu chí, đang trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại, huyện đang tập trung nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng lộ trình.

Hiện nay, bình quân huyện Yên Châu đạt 13,07 tiêu chí/xã. Các tiêu chí đạt tỷ lệ cao, như: Thủy lợi; điện; cơ sở hạ tầng thương mại; thông tin, truyền thông; lao động; hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; an ninh trật tự xã hội... Các tiêu chí chưa đạt, khó thực hiện, gồm: Thu nhập, môi trường, giao thông, nhà ở dân cư.

Yên Châu: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới- Ảnh 4.

Huyện Yên Châu tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện tập trung nguồn lực, hỗ trợ đầu tư các xã, bản chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã khu vực biên giới, xã đạt dưới 15 tiêu chí, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo bền vững.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Phấn đấu năm 2024, bình quân đạt 14,36 tiêu chí/xã, 5 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Yên Châu: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới- Ảnh 5.

Huyện Yên Châu đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Năm 2023, huyện Yên Châu đã huy động trên 8 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 7,1 tỷ đồng, còn lại huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân. Đến nay, 100% số xã đạt tiêu chí về điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thủy lợi và phòng chống thiên tai; 12 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông; 11 xã đạt tiêu chí lao động; 7 xã đạt tiêu chí trường học; 6 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư và nghèo đa chiều; 5 xã đạt các tiêu chí quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa và thu nhập...

Hiện nay, huyện Yên Châu đang tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Văn Ngọc