dd/mm/yyyy

Sơn La: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Sơn La là tỉnh ở vùng Tây Bắc Việt Nam, có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc của dân tộc.

Clip: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Nét đẹp văn hóa các dân tộc

Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Sơn La có độ cao trung bình 600 - 700m so với mặt biển, địa hình chia cắt sâu và mạnh. Diện tích tự nhiên chủ yếu thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã. Tỉnh có 2 cao nguyên là Cao nguyên Mộc Châu và Cao nguyên Sơn La, địa hình tương đối bằng phẳng. Sơn La là vùng đất sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em với nhiều nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng.

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa cộng đồng. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một và dần bị pha tạp. Vì vậy, việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Và để làm được điều đó, mỗi cá nhân, cộng đồng cần nâng cao ý thức giữ gìn nét đặc trưng của dân tộc mình, tránh tình trạng đồng hóa trong các hoạt động văn hóa, lối sống.u

Sơn La: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc - Ảnh 2.

Sơn La là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Ảnh: Văn Ngọc

Các đội văn nghệ bản Hùn xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La là một trong những hạt nhân gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở Sơn La. Bà Tòng Thị Hoàn, Đội trưởng đội văn nghệ bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Năm 2005, đội văn nghệ của bản được thành lập và đi vào hoạt động. Ban đầu bản chỉ có một đội, với 12 thành viên, đến nay bản Hùn đã có 4 đội văn nghệ thuộc các tổ chức Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Người cao tuổi và Chi Hội Nông dân.

Nội dung những tiết mục luyện tập, giao lưu của các đội văn nghệ khá phong phú. Bên cạnh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, các tiết mục múa hát còn được lồng ghép tuyên truyền một số nội dung gắn với đời sống như: Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới, bảo vệ môi trường... 

Để lưu giữ văn hóa của người Thái, vào dịp lễ, tết, ngày hội của bản, các thành viên trong Đội văn nghệ của bản Hùn thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Nam giới mặc bộ quần áo thổ cẩm nhuộm màu đen; còn nữ giới nổi bật với bộ áo cóm, váy dài màu đen đến mắt cá chân, đầu đội khăn piêu. Đặc biệt, để kế thừa và duy trì phong trào văn nghệ của bản, các thành viên trong đội văn nghệ còn tuyên truyền vận động, chú trọng bồi dưỡng nhân tố kế cận tham gia.

Sơn La: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc - Ảnh 3.

Đội văn nghệ bản Hùn xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Là một xã vùng sâu của huyện Bắc Yên (Sơn La), Phiêng Côn có 4 bản và chủ yếu có 2 dân tộc sinh sống là dân tộc Dao và dân tộc Mông, trong đó, dân tộc Dao chiếm hơn 55%. Lễ hội cầu mùa là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống và cũng là Lễ hội dân gian tín ngưỡng văn hoá nông nghiệp của cộng đồng dân cư dân tộc Dao nơi đây.

Ông Bùi Văn Chinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nhèm, xã Phiêng Côn (Bắc Yên, Sơn La) cho biết: Lễ hội cầu mùa là cúng thần linh về phụ hộ cho dân làng, an lành, rồi trừ tà ma. Cầu mùa cho mưa, gió thuận hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc.

Để giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc, bên cạnh phần lễ Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, như thi đấu Kéo co, bắn nỏ, đan lát, thi ẩm thực, trình diễn duyên dáng trang phục dân tộc, trưng bày gian hàng và giao lưu văn nghệ.

Không chỉ có điệu múa, điệu xòe của người Thái, lễ hội cầu mưa của người Dao, các dân tộc anh, em trên  địa bàn tỉnh Sơn La đều có những nét đẹp văn hóa riêng đối với dân tộc mình. Mỗi lễ hội đều có nét đặc sắc riêng như Tết cơm mới của người Khơ Mú, Lễ hội hoa ban, Lễ hội Pang Cẩu Nỏ của dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun; Lễ cầu phúc của người Mường; Lễ hội xên bản, cầu mưa của người Thái, Lễ mừng măng mọc của nhiều dân tộc vùng Tây Bắc...

Sơn La: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc - Ảnh 4.

Lễ hội cầu mùa nét văn hóa của dân tộc Dao, huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Để lưu giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn, tỉnh Sơn La đã ban hành Kết luận số 335 ngày 26/7/2021 về việc phê duyệt "Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", nhằm tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển văn hóa Sơn La. Đặc biệt là triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển hoạt động văn hóa như: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025...

Sơn La: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc - Ảnh 5.

Cộng đồng người Khơ Mú tuy ít, sống rải rác, tuy nhiên sống đời sống văn hoá của người Khơ Mú vẫn là một kho tàng lớn cần được bảo tồn và phát huy. Ảnh: Văn Ngọc

Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh và giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa các dân tộc Sơn La. Trong đó có những sự kiện nổi bật như: Sự kiện du lịch Sắc Màu Sơn La - Tây Bắc lần thứ II tại Hà Nội; sự kiện Văn hóa-Du lịch "Bản tình ca Sơn La - Luông Pha Băng" tại tỉnh Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào…

Hiện nay, với việc duy trì trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, các phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ đã giúp nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Công tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa cũng được tỉnh chú trọng tăng cường, đồng thời khuyến khích hoạt động của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tôn vinh những nghệ nhân có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 nghệ nhân Nhân dân, 34 nghệ nhân Ưu tú là những nhân tố tích cực trong việc truyền dạy, lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Sơn La: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc - Ảnh 6.

Sơn La: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc - Ảnh 7.

Sơn La đã ban hành Kết luận số 335 phê duyệt "Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Ảnh: Văn Ngọc

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La thông tin. Với mục tiêu "Phát triển Văn hóa Sơn La, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững", thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của kinh tế số để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc. Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương.

Văn hóa các dân tộc Sơn La đang phát huy hiệu quả thông qua những giải pháp tích cực theo hướng phát triển dựa trên việc bảo tồn giá trị truyền thống. Nhờ đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La trong những năm qua đã và đang đạt được nhiều thành tựu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh