dd/mm/yyyy

Ươm những mầm xanh nơi vùng cao Sơn La

Các thầy, cô giáo nơi vùng cao Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La luôn nỗ lực vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ "trồng người"...


Clip: Một số hoạt động của cô và trò điểm trường khu Suối Chẹn - Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên (Sơn La).


Thắp lên ngọn lửa yêu nghề nơi vùng cao Sơn La

Cô giáo Lò Thị Bích Đào, hiện đang dạy tại điểm trường Suối Chẹn (Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn), chia sẻ: Từ ngày 14/11/2022, điểm trường Suối Thón chuyển ra học tại điểm trường Suối Chẹn, hiện điểm trường có 2 lớp, với 42 trẻ. Các bé ngoan ngoãn, đi học đều, phụ huynh luôn quan tâm đến việc chăm sóc giáo dục trẻ. Đây cũng là một trong những điểm trường nổi bật ở vùng cao có số trẻ giao tiếp bằng Tiếng Việt cao hơn các điểm trường khác. Nhờ có khả năng giao tiếp Tiếng Việt nên các hoạt động trên lớp của trẻ sôi động, hào hứng hơn.

Để có được những kết quả đó trong quá trình công tác cá nhân tôi đã luôn phấn đấu, nỗ lực để tổ chức hoạt động trên lớp sáng tạo, phù hợp với trẻ vùng cao, tập trung giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Ươm những mầm xanh nơi vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Một giờ học của cô trò điểm trường Suối Chẹn, Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: BÍch Đào.

"Tôi luôn mong muốn bản thân mình không chỉ ươm mầm cho những măng non tương lai của đất nước mà sẽ cố gắng trở thành là cầu nối kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp cùng chung tay ủng hộ các bé vùng cao còn nhiều khó khăn nơi đây. 

Hiện tại tôi đã và đang mạnh dạn kêu gọi ủng hộ dự án xã hội hoá bếp ăn cho trẻ. Nhờ vậy, đã nhận được sự ủng hộ về tiền mặt, vật liệu xây dựng... để khởi công xây dựng bếp ăn cho các bé". Cô giáo Lò Thị Bích Đào tâm sự.

Ươm những mầm xanh nơi vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Nhiều hoạt động thu hút trẻ tích cực tham gia ở vùng cao Sơn La. Ảnh: Bích Đào.

Cô giáo Mùi Thị Lan, quê ở xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên (Sơn La) lên công tác tại điểm trường Đèo Chẹn (Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn) được 2 năm nay, bộc bạch: Từ nhà đi đến điểm trường tôi đang dạy ở đây cách hơn 100km, 2 đứa con chủ yếu ở với ông bà, nội, vì đi làm xa nhà nên 2 tuần tôi mới về 1 lần, có những lúc cả tháng trời ròng rã không được gặp con. Nhớ và thương các con nhiều lắm nhưng với tình yêu nghề, mến trẻ tạm gác lại việc gia đình để cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo cô giáo Mùi Thị Lan lần đầu tiên cô đặt chân lên mảnh đất Hua Nhàn gieo con chữ còn nhiều bỡ ngỡ vì bất đồng ngôn ngữ nhưng chính những ánh mắt thơ ngây của các bé đã thắp lên ngọn lửa yêu nghề cháy bỏng trong cô. Cô Lan luôn tự hứa với lòng mình dù cuộc sống có khó khăn, vất vả phải cố gắng để các bé sau này có cuộc sống tốt hơn.

Làm tốt công tác giáo dục trẻ vùng cao Sơn La

Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn hiện có 17 nhóm, lớp, với hơn 400 trẻ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; 9 điểm trường lẻ, trong đó, có điểm Trường Suối Sát xa nhất cách điểm trường trung tâm gần 30 km. Nhà trường có 25 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch giảng dạy năm, tháng, tuần phù hợp với đặc điểm tình hình lớp, học sinh ở cơ sở, phù hợp với địa phương. Dựa trên chương trình khung của độ tuổi của Bộ GD&ĐT.

Ươm những mầm xanh nơi vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Việc tham gia các hoạt động ngoài trời giúp trẻ nâng cao kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Bích Đào.

Ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin trong dạy học, đảm bảo 100% nhóm, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non và học 2 buổi/ngày. Tổ chức môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm theo phương châm "học bằng chơi, chơi mà học" phù hợp với độ tuổi.

Lựa chọn mục tiêu, nội dung lồng ghép cho từng lĩnh vực phát triển và từng chủ đề có sự kế thừa, đan xen, lồng ghép các chủ đề nhánh phù hợp với nhận thức của trẻ từng lứa tuổi và phù hợp với địa phương…

Trong năm học vừa qua, cán bộ, giáo viên luôn thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ; tuyên truyền đến các bậc phụ huynh cho trẻ ăn trưa tại lớp và chuẩn bị tốt bữa ăn cho trẻ đảm bảo đủ chất và lượng. 100% tổ chức cho trẻ ăn trưa ở trường với hình thức bán trú dân nuôi. 100% các nhóm lớp có góc tuyên truyền về kiến thức chăm sóc nuôi dưỡng trẻ và vệ sinh an toàn thực phẩm.        

Trong quá trình tổ chức nấu ăn trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tương đối tốt, trẻ được đảm bảo ăn các loại thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, được thay đổi khẩu phần theo tuần tháng mùa, trẻ ăn ngon miệng, ăn hết suất, qua đó giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ tăng cân, cơ thể khỏe mạnh, tham gia các hoạt động học tập vui chơi tích cực.

Ươm những mầm xanh nơi vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Lớp học mẫu giáo của điểm trường Suối Chẹn được trang trí khang trang đẹp, an toàn tạo hứng thú cho trẻ học tập. Ảnh: Bích Đào.

Phối hợp với trạm y tế xã tổ chức cho trẻ uống thuốc tẩy giun, uống vitamin A và cho trẻ 2 lần/năm, phối kết hợp với gia đình chăm sóc vệ sinh cá nhân đảm bảo sạch sẽ, nhằm tăng tỷ lệ bé khỏe bé sạch.

Ngoài ra, 100% cán bộ, giáo viên đã làm tốt công tác phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh đảm bảo an toàn cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong thời gian đi từ nhà đến trường và từ trường về nhà, 100% trẻ đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. 

Nâng cao Tiếng Việt cho trẻ DTTS Sơn La

Cô giáo Trần Thị Khánh Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn, cho biết: Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Quy hoạch mạng trường, lớp mầm non theo hướng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Duy trì ổn định tỷ lệ trẻ tới trường, lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi, giữ vững tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Tích cực nghiên cứu, học hỏi, áp dụng phù hợp mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến của các trường trong và ngoài huyện; tăng cường các hoạt động giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm ở các đơn vị bạn.

Ươm những mầm xanh nơi vùng cao Sơn La - Ảnh 6.

Dù xa gia đình nhưng cô giáo Mùi Thị Lan vẫn luôn yêu nghề, mến trẻ với vùng cao Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

Thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS giai đoạn II" và chuyên đề "Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025", xây dựng góc thư viện thân thiện trong nhà trường , góc địa phương tại các lớp. 

Các lớp chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện tăng cường tiếng Việt cho từng lớp, lồng ghép vào các hoạt động trong ngày, đảm bảo 100% trẻ được tăng cường tiếng Việt. Quan tâm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; hưởng ứng phong trào "Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau".

Ươm những mầm xanh nơi vùng cao Sơn La - Ảnh 7.

Ươm mầm những ước mơ cho trẻ em vùng cao Sơn La nơi còn nhiều gian khó. Ảnh: Bích Đào.

Theo dõi chế độ ăn của trẻ tại gia đình và chế độ ăn của trẻ tại trường, hàng tháng theo dõi sự phát triển về chiều cao cân nặng của trẻ để có những điều chỉnh về chế độ ăn cũng như sinh hoạt của trẻ để có những biện pháp trong các tháng tiếp theo.

Lồng ghép tích hợp chuyên dinh dưỡng vào các chủ đề, các hoạt động như: Hoạt động góc, hoạt động ngoài trời tổ chức các trò chơi liên quan đến dinh dưỡng, chơi trò chơi nấu ăn, bán hàng giúp trẻ nhớ lại các kiến thức đã học...

Dẫu còn đó những gian khó, vất vả, nhưng với tình yêu nghề, mến trẻ những người lái đò thầm lặng vùng cao nơi đây vẫn miệt mài "gieo con chữ", ươm những mầm xanh tương lai.

Mùa Xuân