dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Cô giáo người Thái mang sáng kiến lên vùng cao

Cô giáo Lò Thị Bích Đào luôn mang trong mình tâm huyết đem con chữ và nhiều sáng kiến hay đến với các em nhỏ vùng cao Nông thôn Tây Bắc.

Clip một buổi học của cô giáo Lò Thị Bích Đào, điểm trường Suối Chẹn.

Đến với vùng cao Nông thôn Tây Bắc trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam

Trong những ngày giữa tháng 11 đầy ý nghĩa, tôn vinh những Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường Suối Chẹn ở vùng Nông thôn Tây Bắc. Nơi đây, cô giáo Bích Đào công tác và trực tiếp đứng lớp có 20 trẻ là dân tộc Mông và Khơ Mú, với lứa tuổi từ 3 - 5 tuổi đang theo học.

Được bà con vùng cao ví như bông hoa tỏa hương nơi núi rừng, cô giáo trẻ Lò Thị Bích Đào (sinh năm 1990), điểm trường Suối Chẹn, Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) luôn mang trong mình tâm huyết đem con chữ và nhiều sáng kiến hay đến với các em nhỏ vùng cao nơi đây.

Ấn tượng với chúng tôi khi bước chân vào lớp học là xung quanh 4 mặt bức tường của lớp được trang trí đủ màu sắc, cảnh vật gần gũi, thân thiện với các em nhỏ. Giọng các em nhỏ vang lên "Chúng cháu chào chú ạ!", chúng tôi như lạc vào một lớp học nơi phố thị ồn ào, náo nhiệt chứ không phải điểm trường lẻ nằm ngay cạnh quốc lộ 37, khu di tích lịch sử Quốc gia Đèo Chẹn.

Nông thôn Tây Bắc: Cô giáo người Thái mang sáng kiến lên vùng cao - Ảnh 2.

Lớp học mẫu giáo của điểm trường Suối Chẹn được trang trí khang ... h, đẹp, an toàn tạo hứng thú cho trẻ học tập. Ảnh: Tuệ Linh.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, cô giáo Bích Đào sinh ra và lớn lên ở xã Tường Phù, huyện Phù Yên, từ bé chứng kiến cảnh dân mình còn nhiều vất vả, lam lũ, thiếu thốn, cô giáo Bích Đào đã sớm có ý thức tự giác học tập, với mong muốn trở thành một cô giáo, đem cái chữ đến với trẻ em vùng khó khăn, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Năm 2008, cô thi đậu vào Trường Đại học Tây Bắc, chuyên ngành giáo dục mầm non. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, cô giáo trẻ Bích Đào lặn lội cầm hồ sơ đi khắp nơi để xin việc.

Mãi đến tháng 6/2014, cô mới xin được vào làm hợp đồng tại Trường Mầm non Smartkids - Bé Thông Minh, thành phố Sơn La.

Nông thôn Tây Bắc: Cô giáo người Thái mang sáng kiến lên vùng cao - Ảnh 3.

Hoạt động ngoài trời của các bé điểm trường Suối Chẹn. Ảnh: Mùa Xuân.

Tháng 9/2020, cô Bích Đào thi trúng tuyển và được tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp giáo dục của huyện Bắc Yên. Cô được phân công về Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn, giảng dạy tại lớp mẫu giáo ghép ở điểm trường Suối Sát, bản Suối Sát.

Đây là một trong những điểm trường khó khăn nhất, xa nhất của xã Hua Nhàn, với hơn 26 km, 100% dân tộc Mông, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, cha mẹ học sinh đa số đi làm công nhân công ty ở xa, con cái ở nhà với ông bà.

Khó khăn là vậy, nhưng với tình yêu nghề, sự nhiệt huyết, sức trẻ và những kỹ năng đã được học hỏi, trau dồi trong môi trường giáo dục mầm non tư thục đã được cô giáo Bích Đào áp dụng đưa vào quá trình giảng dạy tại lớp mẫu ghép 4 - 5 tuổi điểm trường Suối Sát.

Nông thôn Tây Bắc: Cô giáo người Thái mang sáng kiến lên vùng cao - Ảnh 4.

Cô giáo Lò Thị Bích Đào miệt mài soạn giáo án để chuẩn bị các hoạt động trên lớp cho trẻ. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng tại đây, để kết nối với phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn, cô giáo Bích Đào đã xin phép Ban giám hiệu nhà trường lập trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook với tên gọi "Trường Mầm non Ánh Dương Hua Nhàn Bắc Yên". Đến nay, thu hút hơn 500 lượt người theo dõi, tương tác.

Cô Bích Đào thường xuyên đăng tải các hoạt động và thực trạng tại nhóm lớp, quá trình học của các bé, chia sẻ những khó khăn của trẻ vùng cao, nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Nhờ vậy, cô luôn được cha mẹ và người dân bản Suối Sát yêu quý, hỗ trợ trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều phụ huynh đã tự nguyện đóng góp những nông sản sẵn có tại địa phương, như, trứng, bí đao, chuối, rau... để cải thiện bữa ăn chính và thêm bữa ăn phụ chiều cho trẻ.

Nông thôn Tây Bắc: Cô giáo người Thái mang sáng kiến lên vùng cao - Ảnh 5.

Cô giáo Lò Thị Bích Đào chụp ảnh lưu niệm cùng các em nhỏ điểm trường Suối Sát, năm học 2020-2021. Ảnh: Bích Đào.

Kết quả năm học 2020 - 2021, lớp học mẫu giáo ghép 4 - 5 tuổi ở điểm trường Suối Sát của cô giáo Bích Đào đạt xuất sắc, 90% trẻ đạt danh hiệu "Bé khoẻ, bé ngoan".

Cô giáo Trần Thị Khánh Vân, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn, cho biết: Để có được những thành quả đó, cô giáo Bích Đào đã cùng tập thể nhà trường xây dựng và triển khai các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống, chương trình giáo dục an toàn giao thông cho trẻ… theo hướng tiếp cận tích hợp, tạo điều kiện cho trẻ thực hiện và hoạt động trong trường, lớp.

Thực hiện nghiêm túc chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm"; "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động của trẻ trong trường mầm non". Duy trì thực hiện có hiệu quả chuyên đề "Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non" vào trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ...

Ngoài ra, việc tổ chức bữa ăn cho trẻ luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định, lượng calo ở trường đạt từ 615 - 937 Kcal/trẻ.

Nông thôn Tây Bắc: Cô giáo người Thái mang sáng kiến lên vùng cao - Ảnh 6.

Cô giáo Lò Thị Bích Đào chia thức ăn cho các bé đảm bảo chất dinh dưỡng. Ảnh: Tuệ Linh.

Thực hiện chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, trong quá trình tổ chức được lồng ghép vào các hoạt hàng ngày sao cho phù hợp để trẻ hiểu tiếng Việt.

"Đây là năm học thứ 2 tôi dạy ở Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn, với những kiến thức, kỹ năng đã học hỏi được, tôi luôn mong muốn mang hơi thở của nền giáo dục vùng thuận lợi đến với các em bé vùng khó khăn. Đưa hình ảnh, tinh thần hiếu học của trẻ em vùng cao gần hơn với thành thị, giúp cộng đồng có cái nhìn mới tích cực về giáo dục mầm non nói chung và vùng đặc biệt khó khăn nói riêng" Cô giáo Lò Thị Bích Đào, nói.

Nhiều sáng kiến góp phần nâng cao thể chất trẻ em vùng cao Nông thôn Tây Bắc

Năm học 2020 - 2021, cô giáo Bích Đào đã tham gia sáng kiến kinh nghiệm "Giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ lớp mẫu giáo ghép 4 - 5 tuổi, điểm Trường Suối Sát - Trường Mầm non Ánh Dương xã Hua Nhàn. Từ sáng kiến này, cô đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp 4,5 triệu đồng/năm học để hỗ trợ bữa ăn trưa và ủng hộ xốp trải nền, quần áo ấm, đồ chơi cho trẻ cho trẻ điểm trường Suối Sát.

Nông thôn Tây Bắc: Cô giáo người Thái mang sáng kiến lên vùng cao - Ảnh 7.

Cô giáo Lò Thị Bích Đào đọc truyện cho trẻ nghe. Ảnh: Mùa Xuân.

Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh học sinh về vai trò của việc cung cấp chất dinh dưỡng và cách phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ tại điểm trường Suối Sát giảm đi đáng kể.

Bước vào năm học 2021 - 2022, cô giáo Bích Đào được Ban giám hiệu nhà trường phân công về dạy tại điểm trường Suối Chẹn, nhưng ở môi trường nào cô vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được phụ huynh và trẻ vùng cao yêu quý.

Chị Mùa Thị So, bản Cáy Khẻ, chia sẻ: Tôi có một bé gái 4 tuổi đang theo học lớp mẫu giáo ghép tại điểm trường Suối Chẹn. Đây là năm đầu tiên con tôi vào học, khi mới vào học con tôi còn chưa biết nói tiếng phổ thông, nhưng sau hơn 2 tháng học tập con tôi đã tự tin nói tiếng phổ thông trong giao tiếp, từ những câu đơn giản nhất, tôi mừng lắm.       

Với những nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, cô giáo Bích Đào đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng nhiều Giấy khen.

Đặc biệt là ngày 18/11/2021, cô giáo Lò Thị Bích Đào vinh dự là một trong 88 giáo viên trong toàn tỉnh Sơn La được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" năm học 2020 - 2021.

Đây là phần thưởng xứng đáng, niềm động viên, khích lệ để cô giáo Bích Đào tiếp tục đồng hành cùng các thầy, cô giáo vùng cao ươm mầm những ước mơ cho trẻ em vùng cao nơi còn nhiều gian khó này.

Tuệ Linh - Bốn Mùa