Tủa Chùa dồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng
Trao đổi với phóng viên, ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: "Trong hơn một thập kỷ triển khai chương trình xây dựng NTM, Tủa Chùa đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn liên thôn, liên xã được mở rộng và bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện và giao thương hàng hóa dễ dàng hơn. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế cũng được nâng cấp. Đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện đã có điện lưới quốc gia; trẻ em vùng sâu, vùng xa được học trong những ngôi trường kiên cố. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng tăng, chất lượng giáo dục được cải thiện đáng kể".
Cùng với đó, các công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con. Diện tích đất canh tác được mở rộng, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân.
Để đạt được những thành quả đó, Tủa Chùa đã phát huy tối đa vai trò của người dân trong xây dựng NTM. Huyện đã tổ chức nhiều phong trào thi đua như "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", kêu gọi sự đóng góp từ người dân không chỉ bằng vật chất mà còn qua ngày công lao động.
Một ví dụ tiêu biểu là người dân xã Mường Báng đã tự nguyện hiến đất để làm đường, xây dựng trường học. Tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy chương trình xây dựng NTM tại Tủa Chùa.
Theo ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện thì trong các tiêu chí xây dựng NTM mà Tủa Chùa gặp khó khăn chính là tiêu chí thu nhập. Đây là tiêu chí then chốt, phản ánh trực tiếp sự cải thiện đời sống kinh tế và mức sống của người dân. Việc nâng cao thu nhập không chỉ là mục tiêu mà còn là thách thức lớn trong quá trình xây dựng NTM.
Theo thống kê năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở một số xã vẫn chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/năm, thấp hơn so với mức tiêu chí NTM tối thiểu là 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn cao, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tiêu chí thu nhập trong chương trình NTM. Để cải thiện tiêu chí thu nhập, huyện Tủa Chùa đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.
Tập trung hỗ trợ, nâng cao thu nhập cho người dân
Để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện đã khuyến khích bà con chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang các mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Điển hình là việc đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như chè cổ thụ, cây ăn quả vào sản xuất. Chè cổ thụ Tủa Chùa hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.
Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung với các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao như trâu, bò, dê và gà thả vườn. Nhiều hộ dân đã tham gia mô hình nuôi bò sinh sản hoặc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Tủa Chùa đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn quỹ khác. Nhờ đó, bà con có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, mua giống cây trồng, vật nuôi và cải tạo đất canh tác. Song song với hỗ trợ tài chính, các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp được tổ chức thường xuyên tại các xã. Bà con được hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiện đại, sử dụng phân bón hữu cơ, bảo vệ cây trồng trước sâu bệnh, giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Ngoài nông nghiệp, huyện khuyến khích người dân phát triển các nghề phụ như dệt thổ cẩm, chế biến nông sản và làm đồ thủ công mỹ nghệ. Những sản phẩm đặc trưng này không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn trở thành hàng hóa du lịch, nâng cao giá trị kinh tế.
Du lịch cộng đồng tại các bản làng người Mông, người Dao cũng được phát triển, khai thác tiềm năng văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên. Một số hộ gia đình đã tham gia mô hình homestay, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Dù đạt được nhiều thành tựu, Tủa Chùa vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi chia cắt và nguồn lực hạn chế khiến quá trình triển khai các tiêu chí NTM tại một số xã còn chậm.
Để khắc phục, huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung huy động nguồn lực từ nhiều phía: ngân sách Nhà nước, vốn xã hội hóa và sự hỗ trợ của các chương trình, dự án. Đồng thời, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giúp bà con áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Chương trình xây dựng NTM ở Tủa Chùa không chỉ thay đổi diện mạo địa phương mà còn mang lại niềm tin, khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân vùng cao. Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, Tủa Chùa đang vững bước trên hành trình hướng đến một vùng nông thôn đáng sống, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.