Đến thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chúng tôi được tận mắt chứng kiến vẫn còn một số ngôi nhà trình tường, mái lợp bằng rơm được bà con dân tộc Hà Nhì lưu giữ từ nhiều năm nay.
Ở xã vùng cao Trịnh Tường nơi đây chúng tôi không chỉ được cảm nhận khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mà ở đó chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những căn nhà trình tường bằng đất với mái cỏ gianh hoặc rơm rạ, phủ đầy rêu phong mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Đang phơi những hạt đỗ trước hiên nhà, bà Ly Xe Gù, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) bảo: Đây là ngôi nhà trình tường truyền thống của gia đình tôi, mái nhà được lợp bằng cỏ gianh từ nhiều năm nay, mỗi lần du khách thập phương đi qua đều ghé thăm.
Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì chỉ có duy nhất một cửa chính đi vào và một cửa sổ nhỏ. Phía bên trong căn nhà có 2 gian chính, gian đầu tiên từ cửa chính vào là gian được ví như phòng khách, trên trần nhà là gác để những bao ngô, bao thóc… Còn gian phía trong cùng là bếp nấu ăn, ngủ nghỉ các các thành viên trong gia đình.
Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết: Đồng bào Hà Nhì ở xã Trịnh Tường chiếm khoảng 25%. Hiện nay, còn rất ít những ngôi nhà trình tường lợp bằng cỏ gianh phủ rêu xanh.
Mặc dù những ngôi nhà của đồng bào Hà Nhì đã thay đổi mái bằng tấm lợp fibro xi măng, hoặc lợp bằng tôn nhưng kiến trúc ngôi nhà trình tường vẫn không thay đổi.
Tại xã Y Tý, huyện Bát Xát những ngôi nhà mới được xây dựng theo kiến trúc nhà trình tường mọc lên như nấm, với màu sắc khác nhau tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp.
Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì đều được làm bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt vùng núi cao, giúp giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì có phần đặc biệt hơn là được làm dạng hình hộp, vuông vức.
Hiện nay, khi du lịch phát triển, du khách đến với vùng cao trải nghiệm nhiều hơn, những ngôi nhà trình tường đã được người dân chỉnh trang, sửa chữa và sử dụng làm homestay dành cho du khách đến thăm quan, nghỉ lại.
Y Tý hiện nay có 27 cơ sở lưu trú đón khách du lịch. Trong đó, phần lớn là những homestay nhà trình tường bằng đất của người Hà Nhì. Đây là kiến trúc nhà ở truyền thống của người Hà Nhì. Bất kì ai nếu được nhìn qua những nhà trình tường của người Hà Nhì đều thấy ấn tượng vì vẻ ngoài độc đáo của nó. Ngôi nhà 4 mái đều nhau, lợp bằng cỏ tranh, tường trình đất.
Các ngôi nhà nằm san sát nhau, nhìn xa như những chiếc nấm khổng lồ mọc trên sườn núi. Thi thoảng có những mái nhà lâu năm không lợp lại, rêu xanh phủ lên càng tạo lên vẻ đẹp lạ lùng.
Giữa những triền ruộng bậc thang mềm mại, mây lãng đãng trôi, ẩn hiện dưới lớp mây là những "cây nấm" tạo lên khung cảnh huyền ảo chưa từng có.
Theo người dân Hà Nhì, bà con thường làm nhà vào mùa nông nhàn từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, đây cũng là thời điểm ít mưa thuận lợi cho việc đào đất để trình tường. Sau khi tìm được địa điểm và mẫu đất ưng ý, người Hà Nhì bắt đầu làm móng nhà. Móng nhà được đào sâu xuống nền đất khoảng 1m và được xếp bằng những viên đá cao cho đến khi nền đá hơn mặt đất khoảng 50 cm.
Để trình được bức tường dày hình nấm độc đáo, vững chắc rất kỳ công, tốn nhiều công sức, thời gian kéo dài hàng tháng trời; cần sự khéo léo và sức mạnh đôi bàn tay của những người thanh niên khỏe mạnh, giã đất thật nhuyễn, kết dính với nhau như bê tông.
Nhà trình tường khi đã trình xong tường xung quanh, lấy gỗ rừng làm khung nhà bên trong tường đất và lợp mái. Nếu như trước đây, đồng bào thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ, thì nay vật liệu lợp mái đã được thay thế bằng Fibro xi măng hoặc tôn.
Mái nhà dốc ngắn, các ngôi nhà nằm san sát nhau, nhìn xa như những chiếc nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, ẩn hiện trong sương mây tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Ông Sẩn Cấu Vù, Trưởng thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, cho biết: Thôn Choản Thèn hiện có 62 hộ, với hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Hà Nhì. Hiện nay, bà con trong thôn đang bảo tồn những ngôi nhà trình tường gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Nhiều hộ trong thôn có điều kiện đã mở homestay nhà trình tường đón khách du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Không chỉ hấp dẫn với kiến trúc nhà ở độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên mà ở xã vùng cao Trịnh Tường, Y Tý còn hấp dẫn du khách bởi những nét đẹp mộc mạc, hoang sơ huyền bí và những con người thân thiện mến khách, khám phá những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số Dao, Mông, Hà Nhì… và tham gia các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc: Lễ cúng rừng của dân tộc Hà Nhì, lễ hội Khô Già Già….