Cây chè mang lại ấm no
Với diện tích gần 2ha chè đang mang lại cho gia đình chị Tạ Thị Dìn, thôn Mường Hum, xã Mường Hum, huyện Bát Xát nguồn thu nhập mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng.
Chị Tạ Thị Dìn, thôn Mường Hum, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai phấn khởi: "Nhờ có cây chè, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, có thêm điều kiện xây được nhà cửa, mua được xe và các vật dụng khác để phục vụ cuộc sống gia đình".
Mường Hum là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Bát Xát, với 117 ha chè, trong đó có 75 ha đang cho thu hoạch. Xã Mường Hum đang phấn đấu đến năm 2025, có hơn 200 ha chè và từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè địa phương.
Để tạo liên kết giữa các hộ trồng chè, tăng khả năng tham gia thị trường đối với sản phẩm chè an toàn, xã Mường Hum đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích; chú trọng chăm sóc, thu hái, sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Ông Tẩn Láo Sì, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hum, huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết: Xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện xã đang tranh thủ các nguồn lực để mở rộng diện tích, thâm canh cây chè. Quan trọng nhất là nhân dân thấy được hiệu quả của cây chè nên các hộ trồng chè rất quan tâm đến khâu chăm sóc, nâng cao chất lượng.
Trên địa bàn huyện hiện có 1 doanh nghiệp, 2 HTX và một số đơn vị nhỏ lẻ thu mua sản phẩm chè búp tươi. Giá mua bình quân từ 8.000 - 12.000 đồng/kg đối với chè Shan và khoảng 25.000 đồng/kg với chè Bát tiên.
Cùng với nâng cao giá trị, tạo việc làm, thu nhập cho thành viên, các HTX còn tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Anh Nguyễn Quang Toản, Giám đốc HTX sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp A Mú Sung chia sẻ:"HTX chúng tôi thu mua chế biến và sản xuất chè A Mú Sung với liên kết khoảng trên 100 hộ dân, với giá thành từ 10-20 nghìn đồng/1kg chè búp tươi. Sản lượng thu mua hàng năm là trên 150 tấn chè búp tươi và thu mua tất cả sản phẩm chè búp tươi trên địa bàn xã A Mú Sung và các xã lân cận".
Tiếp tục mở rộng diện tích cây chè
Hiện toàn huyện Bát Xát có hơn 308 ha cây chè, trong đó diện tích chè cho thu hoạch là 271,3 ha; chè trồng mới 37,5 ha. Sản lượng đạt 980 tấn chè búp tươi, giá trị sản xuất chè đạt 33,8 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại đã có 2 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 3 sao, đó là chè Bát tiên Hướng Tâm và Chè Shan tuyết cổ thụ Toản Huyền. Huyện cũng đã xây dựng đề tài nghiên cứu "Bảo tồn cây chè Shan cổ thụ và phát triển vùng chè Shan chất lượng cao".
Năm 2024, huyện Bát Xát phấn đấu mở rộng vùng trồng chè tập trung đạt 383,8 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 271,3 ha, sản lượng đạt 980 tấn chè búp tươi, giá trị sản xuất chè đạt 33,8 tỷ đồng. Trong đó, A Mú Sung là một trong những xã có diện tích trồng mới lớn nhất, với 18ha.
Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè; huy động các nguồn lực đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.
Ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) cho hay: "Cấp ủy, chính quyền địa phương xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể và giao cho từng thôn; trong đó phân chia, giao cho từng hộ gia đình, sao đó thành lập Ban chỉ đạo trực tiếp xuống từng hộ gia đình vận động các hộ gia đình thực hiện đào rãnh đào hố để chuẩn bị cho công tác trồng chè trong năm 2024 đảm bảo đúng kế hoạch".
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10 của BTV Tỉnh ủy và Chương trình số 38, ông Lý Khánh Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết thêm:" Mục tiêu đến năm 2025 diện tích chè của Bát Xát được mở rộng lên đến 574 ha.
Cùng với việc hướng dẫn Nhân dân chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị của sản phẩm chè Bát Xát".
Với định hướng đúng đắn, những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân huyện biên giới Bát Xát.