Mùa mưa năm nay, mưa lớn kéo dài đã gây ra thiệt hại nặng về giao thông cho huyện Mường Nhé (Điện Biên). Hàng loạt điểm sạt lở tại các tuyến đường trọng yếu như quốc lộ 4H, các đường liên xã Quảng Lâm – Na Cô Sa, Quảng Lâm – Huổi Lụ - Pá Mỳ, Nậm Pố - Nậm Vì. Theo thống kê từ UBND huyện Mường Nhé, đã có trên 500 điểm sạt lở lớn nhỏ với hàng vạn mét khối đất đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày. Một số cầu cống bị hư hỏng, nhiều đoạn đường bị sạt, sụt hoặc xói mòn nghiêm trọng.
Tình trạng này không chỉ làm gián đoạn việc đi lại mà còn ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển hàng hóa và sinh hoạt của người dân. Các thôn bản vùng sâu, vùng xa như Huổi Lếch, Huổi Lụ, Nậm Vì gần như bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày do đường giao thông bị chia cắt.
Theo thống kê của UBND huyện Mường Nhé thì các tuyến bị nặng nhất là Quảng Lâm – Na Cô Sa, Quảng Lâm – Huổi Lụ - Pá Mỳ, Nậm Pố - Nậm Vì. Trung bình mỗi tuyến có hơn 50 điểm sạt lở lớn, mỗi điểm ghi nhận từ 10 nghìn đến vài chục nghìn mét khối đất đá. Hàng trăm điểm sạt lở nhỏ cũng xuất hiện dọc các tuyến đường, với đất đá, cây cối chắn ngang lối đi. Tuyến Quảng Lâm – Huổi Lụ - Pá Mỳ tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, bị chia cắt hoàn toàn trong nhiều ngày. Có những đoạn đường bị xói mòn đến mức mất toàn bộ nền đường, khiến phương tiện không thể di chuyển. Tuyến Quảng Lâm – Na Cô Sa, bị đất đá từ taluy dương đổ xuống, chắn ngang đường tại hơn 30 điểm lớn nhỏ, trong đó có những đoạn khối lượng sạt lở lên tới 40.000 mét khối. Tuyến Nậm Pố - Nậm Vì tuyến giao thông huyết mạch của xã biên giới, cũng ghi nhận hơn 40 điểm sạt lở nghiêm trọng, làm gián đoạn lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người dân trong xã.
Theo ông Đàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé thì ngay sau khi mưa lũ kết thúc, huyện Mường Nhé đã huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục giao thông. Đứng trước khối lượng đất đá khổng lồ cần được xử lý, huyện Mường Nhé đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện để triển khai khắc phục. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi hiểm trở, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp và đặc biệt là nguồn kinh phí hạn chế, công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hót sạt lở tại các điểm trọng yếu. Đồng thời, các đơn vị quản lý đường bộ đã đưa máy móc, thiết bị như máy xúc, xe tải vào hiện trường, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: "Thiệt hại về giao thông do mưa lũ năm 2024 trên địa bàn huyện Mường Nhé ước khoảng 70 tỷ đồng. Chúng tôi xác định việc khắc phục giao thông sau mưa lũ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Nhờ sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và sự chung sức của người dân, nhiều tuyến đường đã được thông suốt, đảm bảo người dân sớm ổn định cuộc sống".
Ngoài việc khắc phục các điểm sạt lở, huyện còn tập trung sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu cống, kè chắn tại những vị trí xung yếu. UBND huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ nguồn vốn để kiên cố hóa một số tuyến đường thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích người dân tham gia đóng góp công sức để khơi thông rãnh thoát nước, gia cố các đoạn đường tại khu vực dân cư sinh sống.
Hiện tại, nhiều tuyến đường sau khi được hót sạt chỉ khắc phục tạm thời, khó đảm bảo an toàn khi tiếp tục đối mặt với thời tiết xấu. Một số điểm giao thông huyết mạch vẫn cần vốn đầu tư lớn để nâng cấp hoặc kiên cố hóa, nhưng kế hoạch này chưa thể triển khai do thiếu kinh phí.
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Trung ương và tỉnh, các tuyến đường chỉ được sửa chữa tạm bợ có thể tiếp tục sụt lún, gây ách tắc và gián đoạn trong mùa mưa tới; gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.