Tham dự và chủ trì buổi toạ đàm có bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Lường Trung Hiếu, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sơn La có trên 500.000 hộ sử dụng đất nông nghiệp
Theo số liệu thống kê, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh Sơn La hơn 1,4 triệu ha, trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp hơn 1 triệu ha, chiếm 74,89% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Là một trong những tỉnh miền núi không có nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ, xa các trung tâm kinh tế lớn. Do vậy, nhiều năm qua tỉnh Sơn La luôn xác định phát triển nông nghiệp là một trong những hướng đi chính để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo đó, tỉnh Sơn La đã tập trung phát triển vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, thuỷ sản gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thành lập các hợp tác xã nông nghiệp làm cầu nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong việc hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm hơn 214.700 ha; gần 99.000 ha cây lâu năm; gần 130.000 ha cây lương thực có hạt; gần 51.600 ha cây công nghiệp; hơn 82.800 ha cây ăn quả, sơn tra. Tổng số hộ dân sử dụng đất nông nghiệp trên 500.000 hộ.
Khi các hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp, có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào trồng, chăn nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Nhiều mô hình sử dụng đất sản xuất tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn tỉnh mang lại thu nhập cao, như: Bơ, xoài, thanh long, mận hậu, nhãn…cho thu hơn 200 triệu đồng/ha; na, dâu tây cho thu từ trên 300 - 400 triệu đồng/ha. Ngô sinh khối 100 triệu đồng/ha/năm, so sánh với mô hình trồng ngô thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La, nếu thời tiết thuận lợi cũng chỉ đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, một số hạn chế trong sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đặt ra là việc sử dụng đất ảnh hưởng rất mạnh tới quá trình thoái hoá đất, hơn 430 nghìn ha đất thoái hoá tập trung ở đất chưa sử dụng, đất nương rẫy và rừng trồng sản xuất.
Hoạt động sản xuất của người dân chủ yếu trên đất đồi núi dốc, việc chặt, đốt rừng làm nương rẫy và đất nương rẫy bỏ hoang chuyển thành đất chưa sử dụng làm đất bị xói mòn từ trung bình 10 - 50 tấn/ha đến mạnh trên 50 tấn/ha, đất bị bào mòn tầng mặt nghiêm trọng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm ông Lường Trung Hiếu, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Một số hộ nông dân chưa sử dụng hiệu quả đất đai, chưa khai thác được hết tiềm năng của đất hoặc khai thác triệt để nhưng không có kế hoạch tái tạo lại.
Việc sử dụng vật tư đầu vào chưa khoa học, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đối với đất sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Lao động nông nghiệp không mặn mà với sản xuất nông nghiệp; quy mô sản xuất nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán.
Vẫn còn hiện tượng chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; thiếu nguồn lực về vốn, lao động trong việc phủ xanh đất trống, đồi trọc; nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân chưa hoàn thiện thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa phân định rõ ranh giới, cắm mốc và công khai đến từng đơn vị hành chính cấp xã các khu vực…
Tại buổi toạ đàm các đại biểu đã thảo luận một số nội dung, như: Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La; một số văn bản về chính sách đất đai hiện hành có liên quan để hộ nông dân sản xuất nông nghiệp; một số hạn chế trong sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của hộ nông dân; vai trò của doanh nghiệp/hợp tác xã đối với hiệu quả sử dụng đất sản xuất của hộ nông dân; giới thiệu một vài mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả và điển hình của tỉnh có sự tham gia của doanh nghiệp/hợp tác xã với hộ dân.
So sánh, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của mô hình kinh tế hộ có sử dụng đất SXNN tiết kiệm và mô hình kinh tế hộ thông thường; kiến nghị, đề xuất giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Vận động hội viên nông dân tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp
Theo đó, nhiều giải pháp khuyến khích nông dân sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả được đưa ra thảo luận tại buổi toạ đàm. Đó là: Có chính sách khuyến khích khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quản lý bảo vệ rừng.
Đưa các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng sản phẩm; có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; có chính sách hỗ trợ vốn, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp.
Hỗ trợ, khuyến khích mở rộng diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn tương đương, tăng diện tích đất sản xuất được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản để tăng giá trị nông sản qua đó tăng hiệu quả sử dụng đất sản xuất.
Phát biểu kết luận tại buổi toạ đàm, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá rất cao ý kiến của các đại biểu tham gia phát biểu thảo luận.
"Ý kiến của các đồng chí đã từng bước trả lời được câu hỏi về việc khuyến khích nông dân sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả. Sơn La là điểm sáng về phát triển nông nghiệp không chỉ các tỉnh vùng núi phía Bắc mà là cả miền Bắc. Sơn La đã xác định được cây, con chủ lực để giúp người nông dân có thu nhập hàng trăm triệu/ha. Cùng với đó, tỉnh Sơn La không có câu chuyện đất bỏ hoang. Đó là những cái rất đáng mừng đối với Sơn La", Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nói.
Theo Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, mong mỏi của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là đi vào tập trung đất đai. Bà con nông dân hợp tác với nhau, phối hợp với doanh nghiệp để khai thác có hiệu quả. Hội Nông dân tỉnh Sơn La cần tiếp tục vận động hội viên nông dân tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp…