dd/mm/yyyy

Thuận Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong SXNN

Nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp ở vùng Nông thôn Tây Bắc...

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, như: thanh long, chè, khoai sọ, sơn tra, chanh leo, xoài... Huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao, hướng đến phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống người dân.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, HTX, người dân chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng các thành tựu vào sản xuất. Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Huyện vùng cao Thuận Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện Thuận Châu năm 2021 đạt 4.202 ha, sản lượng quả thu hoạch đạt trên 18.600 tấn tăng 135% so với năm 2020 . Ảnh: Tuệ Linh

HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có 13 ha cây ăn quả, trong đó có 9 ha cây thanh long ruột đỏ. Với phương châm lấy chất lượng sản phẩm để tạo dựng uy tín với khách hàng, HTX đã vận động các thành viên ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững. Đồng thời HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. 

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho hay: Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp, HTX đã áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, đồng thời sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. HTX hướng dẫn hội viên phun thuốc chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục. Với  cách sản xuất như vậy, sản phẩm nông nghiệp của HTX đã được nhiều thị trường đón nhận.

Huyện vùng cao Thuận Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Quả thanh long ruột đỏ trồng ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Tuệ Linh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hùng, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Huyện Thuận Châu có trên 4.200  ha cây ăn quả các loại, trong đó trên 60% diện tích là xoài, chanh leo, bơ, nhãn, thanh long. Những năm trước, các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện Thuận Châu chủ yếu được người dân trồng theo phong trào, chưa chú trọng đến chất lượng giống, đầu tư chăm bón, cải tạo, nên chỉ sau vài năm thu hoạch nhiều diện tích cây ăn quả bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp.

Để nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, xoài... Đồng thời huyện tổ chức tập huấn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn. 

Huyện vùng cao Thuận Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Từ phong trào thi đua SXKDG, huyện Thuận Châu đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Tuệ Linh

Đến nay, toàn huyện đã có 8 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm với diện tích 21,4 ha, diện tích cây trồng chủ yếu: rau các loại, chè, cà phê: có trên 3.500 ha cây ăn quả được trồng bằng các giống chất lượng cao.

Huyện Thuận Châu cũng đã hình thành được 11 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm và 21 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận sản xuất VietGAP với diện tích trên 330 ha. Hiện nay, huyện Thuận Châu đã có 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, với tổng diện tích 220 ha.

Huyện vùng cao Thuận Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Thuận Châu đẩy mạnh và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất. Ảnh: Tuệ Linh

Năm 2021, toàn huyện đã xuất khẩu 176,6 tấn quả xoài sang thị trường Trung Quốc. 20 tấn quả thanh long sang thị trường Nga và Trung Quốc. Đặc biệt, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp, HTX có sản phẩm nông nghiệp (sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng) đưa lên sàn OCOP.

Huyện vùng cao Thuận Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Quả thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu đã có mặt tại nhiều siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Tuệ Linh

Hướng đến mục tiêu bền vững trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thuận Châu sẽ đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; phối hợp với các ngành triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển cây trồng và chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Thuận Châu cũng sẽ tăng cường quản lý chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các giống đầu dòng, giống lai, giống ngoại để thay thế các giống địa phương đã thoái hoá; tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến.

Huyện vùng cao Thuận Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 6.

Tổng diện tích cây chè của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La 1.432 ha, diện tích chè kinh doanh 997 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 9.970 tấn, tăng 11% so với năm 2020. Ảnh: Tuệ Linh

Với các cơ chế chính sách của tỉnh được ban hành đã tác động tích cực đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Những hiệu quả bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện Thuận Châu tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình.






Văn Ngọc