dd/mm/yyyy

Thị trường gạo châu Á vắng vẻ do giá cao, trong nước giá lúa Thu Đông bật tăng trở lại

Nhu cầu mua gạo Ấn Độ tuần này tăng nhẹ do giá chào bán gạo rẻ hơn so với các nơi khác, trong khi giá gạo tăng cao làm giảm hoạt động mua bán ở Việt Nam và Thái Lan. Trong nước, giá lúa gạo hôm nay ngày 29/9 tại ĐBSCL điều chỉnh tăng với lúa, trong khi đó, giá gạo quay đầu giảm.

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất hôm nay 29/9

Theo Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhu cầu mua gạo Ấn Độ tuần này tăng nhẹ do giá chào bán gạo rẻ hơn so với các nơi khác, trong khi giá gạo tăng cao làm giảm hoạt động mua bán ở Việt Nam và Thái Lan. 

Khách hàng đã bắt đầu mua gạo trở lại. Gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo các nước khác ngay cả khi phải trả thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ xuất khẩu.

Ấn Độ vào tháng 8 vừa qua đã áp thuế đối với gạo đồ, có hiệu lực đến ngày 15/10. Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác.

Bất chấp nhu cầu cải thiện từ các quốc gia ở châu Á và châu Phi, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo ở mức 525-535 USD/tấn, không thay đổi trong tuần thứ ba liên tiếp.

Trong khi đó, tại nước láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh, Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho biết họ đặt mục tiêu thu hoạch 17 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng so với 14 triệu tấn năm ngoái, đồng thời xuất kho một số gạo vì mục đích cứu trợ trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động.

Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này được chào ở mức 610-620 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thị trường có vẻ ổn định sau những biến động gần đây do lệnh cấm của Ấn Độ đưa ra vào tháng 7.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, mức giá hiện tại đủ tốt để nông dân kiếm được lợi nhuận, nhưng hoạt động vẫn trầm lắng do các doanh nghiệp đang chờ thị trường ổn định hơn nữa. Dữ liệu sơ bộ cho thấy 294.100 tấn gạo sẽ được bốc xếp lên tại cảng thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 29/9, phần lớn để chuyển đến Indonesia, Malaysia, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng tuần này lên 590-607 USD/tấn từ mức 605 USD vào tuần trước. Sự biến động này là do thay đổi tỷ giá hối đoái. Đồng Baht Thái đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 tháng do lo ngại về triển vọng tài chính của đất nước. Người mua cũng đã giảm tốc độ mua gạo Thái vì giá cao. Nguồn cung gạo mới của Thái vào thị trường trong tháng 10 mới có thể khiến giá giảm.

Thị trường gạo châu Á vắng vẻ do giá cao, trong nước giá lúa Thu Đông bật tăng trở lại - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 29/9 tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng với lúa. Trong khi đó, giá gạo quay đầu giảm.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 29/9 tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng với lúa. Trong khi đó, giá gạo quay đầu giảm.

Theo đó, với lúa, tại khu vực An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng 29/9, giá nhiều loại lúa tăng 100 - 200 đồng/kg. Cụ thể, lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.700 - 7.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Với các chủng loại còn lại, giá duy trì ổn định. Cụ thể, nếp AG (khô) ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg; nếp Long An (khô) còn 9.100 - 9.200 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.600 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm hôm nay quay đầu giảm. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.950 - 12.050 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mức 13.900 - 14.000 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay tiếp tục điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 618 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; Giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 603 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.

Thị trường gạo châu Á vắng vẻ do giá cao, trong nước giá lúa Thu Đông bật tăng trở lại - Ảnh 2.

USDA dự báo sản lượng - tiêu thụ - tồn trữ gạo thế giới (báo cáo tháng 8/2023). (Gạo quy xay xát; ĐVT: nghìn tấn; năm marketing tùy thuộc mỗi thị trường)

Theo Bộ NN&PTNT, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 921.443 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm.

Giá trung bình xuất khẩu gạo của nước ta trong 8 tháng qua tăng tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 triệu USD/tấn.

Gạo Việt chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), đạt 4,24 triệu tấn, tương đương 2,25 tỷ USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 46,3% trị giá. 

Trong số các thị trường thuộc RCEP, Philippines vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt, chiếm 40,3% trong tổng lượng và chiếm 38,8% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,35 triệu tấn, tương đương 1,23 tỷ, tăng 2,6% về lượng và tăng 15,6% về trị giá.

Tiếp sau là thị trường Trung Quốc, chiếm 13,5% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch, đạt 786.000 tấn, tương đương 452,08 triệu USD, tăng mạnh 51% về lượng và tăng 67,9% trị giá.

Đứng thứ 3 là thị trường Indonesia đạt 718.000 tấn, trị giá 361,25 triệu USD, tăng 1.459% về lượng và tăng 1.506% trị giá.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường CPTPP đạt 399.994 tấn, tương đương 212,54 triệu USD, tăng 6% về lượng, tăng 14,8 trị giá.

 

Nguyễn Phương