dd/mm/yyyy

Ấn Độ sắp hạ giá sàn gạo basmati, giá lúa, gạo xuất khẩu của Việt Nam ra sao?

Ấn Độ có thể sẽ giảm giá sàn xuất khẩu gạo basmati trong những ngày tới, sau khi các nhà xay xát và thương nhân phàn nàn về doanh số bán loại gạo thơm cao cấp ra nước ngoài giảm mạnh.

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 28/9 

Reuters mới đây dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Ấn Độ sẽ giảm giá sàn xuất khẩu gạo basmati trong những ngày tới.

Theo đó, Ấn Độ sẽ hạ giá sàn gạo basmati xuống 850 USD/tấn, giảm từ mức 1.200 USD/tấn, để giúp các nhà xay xát và thương nhân xuất khẩu loại gạo này.

Tháng trước, Ấn Độ đã ấn định giá sàn (hay giá xuất khẩu tối thiểu (MEP)) cho các lô gạo basmati ở mức 1.200 USD/tấn.

Các nhà chức trách cho biết MEP được áp dụng để giúp New Delhi đảm bảo rằng gạo non-basmati không được xuất khẩu dưới danh nghĩa gạo basmati.

Vào tháng 7, Ấn Độ đã gây bất ngờ cho các nhà nhập khẩu khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati – loại được tiêu thụ rộng rãi, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.

Theo Liên đoàn các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, quyết định hạ MEP gạo basmati sẽ giúp những người nông dân đang bị tổn thất do xuất khẩu giảm. Động thái này cũng sẽ giúp Ấn Độ giữ được vị thế vượt trội trên thị trường gạo basmati toàn cầu.

Do gạo basmati không được tiêu thụ rộng rãi ở Ấn Độ và gạo vụ mùa mới sẽ bắt đầu có mặt trên thị trường từ tháng tới, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa gạo loại cao cấp.

Nếu kho dự trữ quá lớn sẽ tác động đến giá cả và gây tổn hại cho nông dân cũng như ngành lúa gạo của Ấn Độ, vì vậy động thái hạ MEP sẽ khá hữu ích.

Ấn Độ và Pakistan độc quyền trồng gạo basmati thơm, cao cấp. Ấn Độ xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo basmati tới các nước như Iran, Iraq, Yemen, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Mỹ. MEP 1.200 USD/tấn là quá cao và đó là lý do tại sao hầu hết các nhà xay xát và thương mại không thể xuất khẩu gạo basmati.

Ấn Độ sắp hạ giá sàn gạo basmati, giá lúa, gạo xuất khẩu của Việt Nam ra sao? - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 28/9/2023 tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng với gạo. Trong khi đó, giá lúa Thu Đông giảm tại nhiều địa phương.

Động thái này của Ấn Độ, theo các chuyên gia, có thể sẽ kéo giảm giá lúa gạo toàn cầu. Ấn Độ chiếm 40% thị phần. Nước này đã liên tục cấm hoặc hạn chế xuất khẩu tất cả loại gạo đang kinh doanh suốt hơn 1 tháng qua, khiến giá gạo tại châu Á lên cao nhất 15 năm trong tháng 8.

Được biết, giá lúa gạo trong nước hôm nay ngày 28/9 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với mặt hàng gạo, trong khi điều chỉnh giảm với nhiều mặt hàng lúa.

Theo đó, với lúa, tại khu vực An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nếp AG (khô) ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; nếp Long An (khô) cũng giảm 100 đồng/kg xuống còn 9.100 - 9.200 đồng/kg; lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.600 - 7.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Với các chủng loại lúa còn lại, giá có xu hướng đi ngang. Cụ thể, lúa OM 5451 dao động 7.600 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo tiếp tục điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.950-12.050 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 cũng điều chỉnh tăng 50 đồng/kg lên mức 13.950-14.050 đồng/kg. Tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, giá các loại gạo như OM 18, OM 380, gạo Jasmine, gạo Japonica cũng tăng nhẹ so với hôm qua. 

Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 27/9, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với ngày 26/9. Giá gạo loại 25% tấm cũng tăng 5 USD/tấn lên mức 598 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của ta điều chỉnh tăng được đánh giá là do tác động từ việc Philippines tuyên bố không giảm thuế nhập khẩu gạo. Philippines tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo 35%, thay vì giảm xuống 10% hoặc 0% như một số đề xuất trước đó. Thị trường tin rằng giai đoạn chờ chính sách của các nhà nhập khẩu Philippines đã kết thúc và giờ là lúc họ sẽ phải quay trở lại. 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính sản lượng gạo nhập khẩu trong năm nay (niên vụ 2023/24) của Philippines là 3,5 triệu tấn, giảm 300.000 tấn so với dự báo trước đó. Tính đến ngày 14/9, Philippines đã nhập khẩu 2,41 triệu tấn gạo, theo dữ liệu của cơ quan chức năng nước này công bố. 

Dù giá gạo xuất khẩu của ta nhích tăng trở lại song nhiều doanh nghiệp Việt Nam dự báo, giá gạo có thể sẽ vẫn giảm về dưới 600 USD/tấn và giá sẽ không giảm quá nhiều vì hiện nay sản lượng gạo của các nguồn cung trên thế giới không còn nhiều.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong tháng 10/2023 - khi mùa vụ của Ấn Độ thu hoạch và Chính phủ Ấn Độ bán hàng ra để nhập hàng mùa vụ mới vào có thể giá thành của gạo thế giới sẽ tiếp tục giảm thêm. Còn nếu Chính phủ Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm như hiện nay thì giá gạo sẽ vẫn được duy trì.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo đang thuận lợi, nhất là trong những tháng cuối năm bởi các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… vẫn mua nhiều. Ngoài ra, người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông đang ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 308 nghìn tấn gạo các loại, thu về 190,4 triệu USD. Lũy kế đến giữa tháng 9 năm nay, lượng gạo xuất khẩu lên đến 6,12 triệu tấn, giá trị đạt 3,35 tỷ USD.


Nguyễn Phương