Clip: Sơn La thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn
Triển khai chính sách dân tộc trên địa bàn Sơn La
Những năm qua, thực hiện các chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc được UBND tỉnh giao quản lý, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã tham mưu và tranh thủ được nguồn vốn Chính phủ cấp, đầu tư, hỗ trợ phát triển đời sống, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc miền núi khó khăn của tỉnh, với tổng nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh là trên 10.000 tỷ đồng.
Đây là một nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La thông tin: Bằng các nguồn vốn của chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc, đã hỗ trợ được hơn 30.000 lượt hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ khai hoang đất sản xuất và hỗ trợ đầu tư xây dựng trên 1.500 công trình nước sinh hoạt tập trung và nhiều công trình nước phân tán.
Hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp cho được hơn 40.000 lượt hộ nghèo, triển khai xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế các loại với 35.000 hộ tham gia.
Đời sống đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao
Cũng theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, Ban Dân tộc còn đầu tư hỗ trợ bằng giống, vật tư, máy móc công cụ để phát triển sản xuất. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý chương trình chính sách dân tộc, kiến thức nông lâm nghiệp cho cán bộ xã, bản, người sản xuất giỏi…và dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số.
Từ các nguồn vốn các chương trình, chính sách và nguồn vốn tài trợ của các tổ chức Phi chính phủ đã đầu tư xây dựng được 3.005 công trình các loại (giao thông, điện, nhà lớp học, nước sinh hoạt, thuỷ lợi, nhà văn hoá...); đầu tư, hỗ trợ hoàn thành 25 điểm định canh định cư tập trung ổn định sản xuất và đời sống cho 1.593 hộ với trên 5.000 nhân khẩu; giải quyết cho 10.570 hộ nghèo dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất.
Với những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 57% năm 2005 xuống 14,17% năm 2024; Diện mạo nông nghiệp - nông thôn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã và đang có nhiều khởi sắc; góp phần quan trọng giải quyết những khó khăn về sản xuất và đời sống cho đồng bào, cải thiện một bước chất lượng sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.