Thay đổi tư duy phát triển kinh tế
Chúng tôi về mảnh đất Yên Châu (Sơn La), nơi được mệnh danh là vùng đất "chuối ngọt, xoài thơm", vùng đất của đồng bào người Thái, Kinh, Mông,… cùng chung sống thuận hòa. Những năm gần đây, nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số,… Đồng bào các dân tộc ở các xã vùng cao của huyện Yên Châu thi đua phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương.
Như đã hẹn trước, chúng tôi tìm đến mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng của gia đình ông Quàng Văn Chiến, dân tộc Thái, bản Luống Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La). Thay vì chăn thả tự do ngoài đồng, gia đình ông Chiến đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín để kiểm soát dịch bệnh, cũng như cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho đàn trâu, bò. Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Chiến được xây dựng cách xa nhà ở. Các khu vực nuôi được bố trí bài bản, có khu chăn nuôi, khu chế biến thức ăn riêng biệt.
Ông Chiến chia sẻ: Vì là ở vùng nông thôn, cũng như nhiều hộ dân trong bản, gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào các loại cây trồng ngắn ngày trên nương như ngô, sắn,… thu nhập không được là bao, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Không khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới, tôi nhận thấy mô hình chăn nuôi trâu, bò cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó tại địa phương đang triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy, chính quyền cũng như được Hội Nông dân các cấp vận động tuyên truyền; với những số vốn ít ỏi của gia đình, tôi đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.
Hiện nay mô hình chăn nuôi của gia đình ông Chiến duy trì từ 15 – 20 con trâu, bò nuôi vỗ béo. Để đảm bảo lượng thức ăn cho đàn trâu, bò của gia đình, ông Chiến đã chuyển đổi một phần nhỏ đất ruộng canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, cây chuối, khoai lang. Ngoài thức ăn tươi, xanh, để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, gia đình ông đã bổ xung thêm các loại thức ăn tinh bột như cám ngô, cám gạo. Bên canh đó để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, gia đình ông tuân thủ khắt khe các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ như cán bộ nông nghiệp khuyến cáo.
"Gia đình nuôi bò được hơn 7 năm nay, hiện gia đình duy trì nuôi từ 15 đến 20 con trâu, bò thương phẩm. Một ngày tôi cho bò ăn 3 lần, sáng, trưa và tối; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ. Năm vừa rồi tôi đã xuất bán trâu, bò gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng", ông Chiến nói.
Ở Yên Châu, người đồng bào dân tộc nơi đây không chỉ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi mà còn có thu nhập cao từ việc đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên đất dốc, thay thế các loại cây trồng ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp. Vườn nhãn của gia đình bà Lò Thị Tâm, bản Hượn, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) nằm trên một sườn đồi. Diện tích vườn nhãn này trước kia được gia đình bà canh tác một vụ ngô, cho hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2014, với số vốn tiết kiệm của gia đình, cùng với số tiền vay mượn từ anh em họ hàng, bà Tâm mua 500 gốc nhãn để nhân rộng diện tích, phát triển kinh tế. Bà Tâm là người đầu tiên đưa giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng tại xã Chiềng Đông.
Cũng theo bà Tâm, so với các giống nhãn khác như nhãn cùi thì cây nhãn lồng Hưng Yên từ khi trồng đến lúc cho quả có thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng 3 năm. Trong quá trình chăm sóc, tôi nhận thấy cây nhãn lồng Hưng Yên khá phù hợp với thời tiết, khí hậu ở đâu. Một trong những yếu tố giúp gia đình bà Tâm thành công đó là bà đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ dân trồng nhãn đi trước.
"Mỗi vụ nhãn sau khi thu hoạch xong, gia đình tôi tập trung cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân. Nhờ thực hiện đầy đủ các yếu tố kỹ thuật, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, quả nhãn gia đình làm ra đều có thương lái đến tận vườn thu mua, gia đình tôi không phải lo đầu ra. Mỗi vụ nhãn lồng, gia đình tôi thu về hơn 10 tấn, bán với giá 20 - 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu được hơn 150 triệu đồng", bà Tâm nói.
Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững
Ông Lò Chung Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Chiềng Đông là xã vùng III của huyện Yên Châu, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có trên 1.800 hộ dân, trong đó trên 90% hộ đồng bào dân tộc. Những năm qua, xã đã tích cực phối hợp với Phòng Dân tộc huyện triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu so theo quy định.
Thực hiện nội dung đột phá sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, Đảng ủy đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế với nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh thực hiện nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, như: Cải tạo vườn tạp trồng nhãn chín muộn, xoài ghép ở bản Chai; nuôi cá ở bản Nặm Ún; trồng tỏi ở bản Đông Tấu; trồng dưa lưới, măng tây ở bản Luông Mé; nuôi gà thả vườn tại bản Thèn Luông...
Trong đó, đảng viên là nhân tố tích cực đi đầu hỗ trợ hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp, sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao thu nhập. Hiện nay, toàn xã có trên 630ha cây ăn quả, 60ha rau màu, 80ha tỏi; duy trì trên 6.680 con gia súc, 34.000 con gia cầm, 25ha mặt nước nuôi thủy sản.
Có thể thấy, các mô hình phát triển kinh tế đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện phát triển.