dd/mm/yyyy

Sơn La: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng miền núi, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Clip: Sơn La tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua tỉnh Sơn La đã chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện, qua đó đã giúp ổn định đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Thuận Châu (Sơn La) là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Trên địa bàn huyện có 29 xã, thị trấn, trong đó 24 xã vùng III đặc biệt khó khăn, có 6 dân tộc cùng sinh sống. Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Thuận Châu đã thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sơn La: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Vùng chè xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất. Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung.

Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép các chương trình, dự án, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đề án 666, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương...

Nhờ vậy, nhân dân trong huyện được cải thiện về đời sống, nhà ở và điều kiện sinh hoạt. Giai đoạn 2019-2023, huyện đã hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho 390 hộ nghèo; hơn 900 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được vay vốn chuyển đổi nghề. Hỗ trợ cá giống, bê giống cho 646 hộ đồng bào dân tộc La Ha ở 4 xã Nong Lay, Chiềng La, Chiềng Pha, Liệp Tè, tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức phát triển sản xuất và sinh kế cho 504 hộ gia đình dân tộc La Ha. Có 5.959 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ 822 tỷ đồng. Với sự quan tâm đầu tư phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 23,77%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 12,94%.

Sơn La: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Nông dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La hái chè. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện vùng cao Bắc Yên những năm gần đây được đi trên những con đường thuận lợi nối liền các xã, nối các bản; được tận mắt chứng kiến hàng trăm công trình được đầu tư từ các nguồn vốn của nhà nước làm cho đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên. Tư duy sản xuất được thay đổi từ tự cung tự cấp sang hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Đây là kết quả của việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chính sách dân tộc trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Xã Pắc Ngà (Bắc Yên, Sơn La) là một trong những xã khó khăn của huyện Bắc Yên, ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, cũng cho biết: "Năm 2023, xã cũng được đầu tư xây dựng 02 tuyến đường GTNT. Hiện nay, 2 tuyến đường GTNT từ nguồn xây dựng NTM và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khởi công từ tháng 2, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 5/2023. Hai công trình này đã góp phần rất quan trọng trong phát triển KT-XH của xã và tạo điều kiện giao thương hàng hóa, nông sản thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã".

Hiện nay, 14/16 xã, thị trấn của huyện Bắc Yên có đường đến trung tâm được cứng hóa; 67,68% số bản có đường giao thông từ trung tâm xã đến bản được cứng hóa; 100% xã, thị trấn có trạm y tế xây dựng khang trang; 73,1% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 56,8% số trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 49,5%; 86,93% số hộ được dùng điện sinh hoạt an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số bản có nhà văn hóa; 90% đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,67%/năm.

Sơn La: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La tuyên truyền, hướng dẫn nông dân canh tác lúa nước. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, thông tin: Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 36 hộ nghèo; cấp 156 bồn, téc chứa nước sinh hoạt; hỗ trợ máy móc nông cụ phục vụ sản xuất, kinh doanh cho 306 hộ dân; sắp xếp ổn định 3 khu dân cư có nguy cơ sạt lở, bão lũ; xây dựng mới 49 công trình và duy tu 32 lượt công trình tại các xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng I. Ngoài ra, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai 16 chương trình chính sách tín dụng, tạo điều kiện 9.531 lượt người vay vốn gần 448 tỷ đồng.

Giai đoạn 2024-2029, huyện tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2029, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã vùng III lên vùng II; 30% lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo; trên 50% người dân tộc thiểu số sử dụng internet; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội.

Sơn La: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 4.

Nông dân huyện Băc Yên, tỉnh Sơn La vào vụ quả Sơn tra. Ảnh: Văn Ngọc

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện chủ trì tổ chức thực hiện công tác quản lý, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa bàn quản lý của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-UBND ngày 02/11/2022 về giao nhiệm vụ thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; UBND các huyện, thành phố đã tiếp tục phân cấp quản lý thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình tới cấp cơ sở.

Sơn La: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 5.

Đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn và nhiệm vụ chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình được phân công tại Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định. Ban Dân tộc, các sở, ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các phòng chuyên môn cấp huyện đã và đang tổ chức mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, cán bộ các cấp, cộng đồng, người dân tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Văn Ngọc