Thành phố Sơn La (Sơn La) đẩy mạnh bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt là dân tộc Thái, qua đó góp phần phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người đồng bào dân tộc.
Clip: Lưu giữ nét đẹp văn hoá dân tộc Thái Thành phố Sơn La (Sơn La) có 12 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 50% dân số. Dân tộc Thái dù trải qua thời gian, giao thoa giữa các dân tộc và tốc độ phát triển của đô thị hoá, nhưng bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Thái vẫn được lưu giữ với bản sắc riêng. Ảnh: Thúy Hạnh
Trong những năm qua, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thái, thành phố Sơn La đã triển khai nhiều đề án, giải pháp bảo tồn như: Thành lập các đội văn nghệ cộng đồng, câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái: nghề đan lát, dệt vải, thêu khăn piêu, các trò chơi dân gian ném còn, tó mák lẹ. Ảnh: Thúy Hạnh
Bên cạnh đó, để lưu giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào người Thái hằng năm thành phố Sơn La đã tổ chức các lễ hội như: Lễ hội hoa ban; hội xuân dâng bác, duy trì các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao dân tộc Thái. Ảnh: Thúy Hạnh
Ngay từ lúc còn nhỏ, những người con gái Thái đã được các bà, các mẹ truyền dạy cách se tơ dệt vải để tạo ra những sản phẩm đồ dùng, trang phục phục vụ đời sống hàng ngày. Ảnh: Thúy Hạnh
Chiếc khăn Piêu là đồ vật, đồ trang sức không thể thiếu đối với người con gái thái. Để làm được chiếc khăn Piêu, người phụ nữ Thái thêu thùa tỉ mỉ cần 3 đến 5 tháng. Những họa tiết trên khăn Piêu được thiêu tượng trưng như là bông hoa, mái nhà. Chiếc khăn Piêu không chỉ là đồ trang sức, khan Piêu còn là một món quà, hay là một kỷ vật hẹn ước giữa chàng trai và cô gái thái. Ảnh: Thúy Hạnh
Từ xa xưa, nghề đan lát được những người đàn người ông Thái lưu giữ, truyền đạt từ đời này sang đời khác, những món đồ được đan lát như: rổ rá, ép khẩu (hộp đựng cơm) giỏ đựng cá,...Những đồ vật này được làm từ những cây tre non trên rừng. Để làm được những đồ vật trên, người đàn ông phải khéo léo, tỉ mỉ chẻ lạt, đan lát từng chi tiết. Nghề đan lát của người Thái giờ không chỉ để phục vụ sinh hoạt gia đình hằng ngày, mà còn là món đồ có thể mang ra trao đổi, mua bán để nang cao thu nhập. Ảnh: Thúy Hạnh
Áo cóm, được xem là một trang phục đẹp gọn gàng tiện lợi trong lao động sản xuất, thể hiện những đường cong của người phụ nữ thái. Ảnh: Thúy Hạnh
Trống, chiêng là nhạc cụ có vai trò quan trọng trong đời sống thường ngày và văn hóa tín ngưỡng truyền đời của đồng bào dân tộc Thái, nhạc cụ này gắn liền với mọi nghi lễ truyền thống, được coi là linh hồn văn hóa trong tinh thần. Hầu hết đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La đều biết sử dụng trống và chiêng tại các nghi lễ văn hóa truyền thống. Ảnh: Thúy Hạnh
Chị Lò Thị Thỏa, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: Là một người dân tộc Thái, tôi rất yêu văn hóa của dân tộc mình, bởi những đồ dùng trong gia đình đều được làm ra từ những nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Đặc biệt những điệu múa, điệu xòe, những câu hát giao duyên của đồng bào Thái khi tôi được nghe được, nhìn được, trở thành một món ăn tinh thần, tạo cho tôi có cảm giác yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào dân tộc mình. Ảnh: Thúy Hạnh
Trao đổi với phóng viên, bà Lù Thị Đoàn trưởng phòng văn hóa thông tin thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Trong thời gian tới, để lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, thành phố Sơn La sẽ triển khai thực hiện nhiều đề án bảo tồn văn hóa, gắn với du lịch. Duy trì câu lạc bộ văn hóa thái; đội văn nghệ,...thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trò chơi dân gian. Ảnh: Thúy Hạnh
Văn Ngọc -Thuý Hạnh