Clip: Chung tay chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Xây dựng bản làng đồng bào dân tộc thành bản du lịch
Yên Châu, một huyện miền núi của tỉnh Sơn La. Trên địa bàn huyện có 5 anh em dân tộc cùng sinh sống, trong đó hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Huyện có 56km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Xác định rõ, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Yên Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó trọng tâm là triển khai các dự án thành phần.
Đến bản Khá, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cảm nhận được không gian thanh bình, tự nhiên của một bản Thái cổ xưa. Nơi đây có phong cảnh đẹp, rợp bóng mát của vườn cây xoài, cây me cổ thụ, dòng suối Vạt uốn quanh. Bản Khá có tổng diện tích tự nhiên 435 ha, toàn bản có 92 hộ với 425 nhân khẩu, 99% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Để nâng cao đời sống cho bà con nông dân, bản Khá được lựa chọn xây dựng trở thành bản du lịch cộng đồng.
Việc xây dựng bàn du lịch cộng đồng không chỉ giúp bà con nhân dân trong bản gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc như: các điệu hát, điệu múa, điệu xòe, các nghệ đan lát truyền thống, xe tơ, dệt vải, giữ lại những nếp nhà sàn cổ…. mà từ các hoạt động du lịch sẽ giúp đồng bào nơi đây nâng cao thu nhập từ hoạt động ẩm thực, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do mình tạo ra.
Bản Khá đã lựa chọn 5 gia đình có khả năng cải tạo nâng cấp thành homestay; 3 gia đình có khả năng mở nhà hàng ẩm thực dân tộc; 3 gia đình có khả năng dệt vải, thêu khăn piêu, đan mây tre thủ công phục vụ đón khách du lịch; nhiều hộ dân ở bản Khá đã được tập huấn kiến thức làm du lịch cộng đồng. Thành lập 2 đội văn nghệ dân gian, thường xuyên tổ chức tập luyện và biểu diễn các chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc để phục vụ khách du lịch.
Trao đổi với phóng viên, ông Quàng Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để xây dựng bản Khá thành bản du lịch cộng đồng, chính quyền các cấp đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng đường nội bản, trồng cây ăn quả, cây cảnh tạo cảnh quan trong bản. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp; tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm cho du khách…
"Chúng tôi chỉ đạo rất quyết liệt, nhất là công tác vệ sinh môi trường. Hàng tháng, cử cán bộ xã xuống cơ sở xuống giúp cùng phối hợp với bà con nhân dân để vệ sinh môi trường; xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; đường làng ngõ xóm xanh sạch đẹp. Tuyên truyền, vận động bà con cho trâu bò ra ngoài gầm sàn phối hợp với Bạn Quản lý bản duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tổ chức các buổi học cho các cháu học sinh học các nghề thêu, dệt truyền thống của địa phương". Ông Chiến nói.
Thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Yên Châu đang triển khai 9 dự án thành phần với hàng chục tiểu dự án, tổng nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 là trên 144 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 84 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 59 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương: 880 triệu đồng. Toàn huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp 31 công trình, dự án nước sinh hoạt tập trung, nhà văn hóa, đường giao thông, cơ sở vật chất trường lớp học, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai.
Trao đổi với phóng viên, ông Lừ Văn Chung, Trưởng phòng dân tộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Các chương trình, dự án đã giúp cho đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Châu có nhiều chuyển biến tích cực, 100% xã, 85% bản có đường ô tô đến trung tâm xã, bản được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 99,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn; 100% tỷ lệ người đủ điều kiện sử dụng internet; 94% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp.
Bên cạnh đó, UBND huyện Yên Châu còn chỉ đạo các phòng chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân, góp phần giúp đồng bào DTTS có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.
Từ các dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, đến nay 100% các xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất; trường học, trạm y tế, đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân…
Các chương trình dự án được triển khai đã góp phần để mỗi năm huyện giảm trên 3% hộ nghèo. Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho vùng DTTS, các giải pháp về lao động, việc làm cũng được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, có trên 1.000 người được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó tạo việc làm cho 80% là đồng bào DTTS.
Việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai tại huyện Yên Châu đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị tham gia. Nhờ đó, góp phần giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống.