Thứ Sáu, ngày 10/01/2025 04:19 PM (GMT+7)

Sa Pa: Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

2024-12-07 12:56:00

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vẫn còn xảy ra. Để từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thị xã Sa Pa đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của bà con.

Vidoe: Chia sẻ về công tác giảm thiểu tảo hôn ở Sa Pa (Lào Cai).

Sa Pa triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tảo hôn

Thị xã Sa Pa có tổng dân số gần 70.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 56.420 người, chiếm 80,6% dân số toàn thị xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Phù Lá (Xa Phó)... Thời gian qua, tình trạng tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn diễn ra trên một số địa bàn các xã, phường. 

Nguyên nhân chủ yếu là do phong tục tập quán, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số; công tác tuyên truyền vận động can thiệp của cấp ủy, chính quyền, thôn bản còn có hạn chế nhất định do nhiều yếu tố: rào cản về phong tục, tập quán, ngôn ngữ nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông, do trình độ dân trí không đồng đều, địa bàn rộng, dân cư không tập trung...

Ở khía cạnh khác, công tác phối hợp quản lý học sinh tại các trường Trung học phổ thông, Phổ thông dân tộc nội trú giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ; sự phát triển của công nghệ thông tin, mặt trái của mạng xã hội, thiếu kinh nghiệm giới tính… nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn.

Sa Pa: Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương tình trạng tảo hôn đã giảm hẳn. Ảnh: Mùa Xuân.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án "Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025"; Nghị quyết số 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030.

Thị xã Sa Pa đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức họp Ban chỉ đạo thị xã định kỳ hàng tháng, quý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn, nắm bắt tình hình kịp thời báo cáo và tìm giải pháp giải quyết những phát sinh, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn thị xã.

Từ đó, chỉ đạo các xã, phường đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo năm; làm tốt công tác kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn các xã, phường.

Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình phải thường xuyên được đổi mới, lựa chọn nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào những đối tượng phụ nữ, thanh niên, học sinh, phụ huynh học sinh dân tộc thiểu số; vùng có nguy cơ cao về tảo hôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 sinh con.

Sa Pa: Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ban quản lý thôn Chu Lìn 2, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai tuyên truyền cho người dân về các chính sách dân tộc. Ảnh: Mùa Xuân.

Việc tuyên truyền lồng ghép nội dung tuyên truyền tại các Hội nghị tuyên vận, tuyên truyền pháp luật, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; hoạt động ngoại khoá trong các trường học; phát các phóng sự, tin bài phản ánh về hậu quả tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên các cụm phát thanh của các xã, phường...

Đồng thời, tập trung tuyên truyền thực hiện pháp luật hôn nhân và gia đình gắn với thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, xoá bỏ tập tục lạc hậu; tuyên truyền để mọi người nắm được các hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình. Việc tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng,…

Năm 2024, UBND các xã, phường đã tổ chức được 15 buổi/15 xã, phường thực hiện phát động Chiến dịch Truyền thông phòng, chống tảo hôn, với trên 1.500 lượt người tham dự. Ngoài ra, các xã, phường trên địa bàn cũng đã thực hiện tổ chức treo được 104 băng zôn tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các thôn và trụ sở xã, phường.

Bên cạnh đó, triển khai Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (1719) về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Phòng Dân tộc thị xã Sa Pa đã thực hiện 1 cuộc phát động chiến dịch Truyền thông phòng, chống tảo hôn trên địa bàn thị xã Sa Pa năm 2024 và 5 cuộc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại các xã Hoàng Liên, Thanh Bình và tại các trường học thuộc các xã Mường Hoa, Trung Chải, Ngũ Chỉ Sơn thu hút 1700 cán bộ, nhân dân và học sinh tham gia.

Tổ chức triển khai ký cam kết với các em học sinh tại các trường THCS; UBND các xã với Ban Chỉ đạo phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thị xã; giữa các thôn, tổ dân phố với UBND xã, phường.

Sa Pa: Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Tình trạng tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã có những bước chuyển biến tích cực. Ảnh: Mùa Xuân.

Duy trì 8 mô hình và 1 câu lạc bộ từ các năm trước, như mô hình tự quản trong cưới xin thôn Nậm Nhìu, với 390 người tham gia, xã Bản Hồ; mô hình phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thôn Ma Quái Hồ, phường Sa Pả; mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xã Hoàng Liên, xã Mường Hoa, xã Tả Van...

Trung tâm Y tế thị xã Sa Pa duy trì và thành lập và 5 mô hình giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống tại các xã Hoàng Liên, Mường Bo, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van và phường Sa Pả.

Năm 2024, tuyên truyền, vận động, ngăn chặn thành công các trường hợp có ý định tảo hôn đối với 47 trường hợp. Tảo hôn (chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng (vi phạm tảo hôn)) 21 trường hợp. 

Tảo hôn khi 1 người chưa đủ tuổi kết hôn là 12 trường hợp; tảo hôn khi cả hai người chưa đủ tuổi kết hôn là 9 trường hợp. Trong đó, dân tộc Mông có 21/21 trường hợp chiếm tỷ lệ 100% tổng số trường hợp tảo hôn. Về tình trạnh hôn nhân cận huyết thống không có trường hợp xảy ra.

Sa Pa: Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các em học sinh. Ảnh: Phòng Dân tộc Sa Pa.

Bà Má Thị Trú, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Chải, thị xã Sa Pa (Lào Cai) chia sẻ: Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã phối hợp cùng các Hội, đoàn thể xã, Ban Chi uỷ, Ban quản lý các thôn triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động nhân dân chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, không cho con, em tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Phối hợp vận động, xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hộ gia đình cho con, em cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật và quy ước thôn bản.

Tình trạng tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa đã giảm đáng kể

Bà Giàng Thị Lan, Phó Trưởng phòng Dân tộc thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết: Trong những năm qua, Ban chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từ thị xã đến các xã, phường đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ sở đã thể hiện được ý trí quyết tâm trong công tác tuyên truyền, vận động và có nhiều giải pháp cụ thể trong việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn thị xã. 

Các xã, phường ở cơ sở đã phát huy vai trò của cán bộ thôn, bản, người có uy tín, tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân.

Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống từng bước góp phần giảm đáng kể số lượng các vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong năm. Nhận thức của người dân được nâng lên, đã hiểu và tích cực tham gia chấp hành luật về hôn nhân và gia đình góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Sa Pa: Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Phòng Dân tộc thị xã Sa Pa truyền thông giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Phòng Dân tộc Sa Pa.

Trong năm, đã có hơn 9.420 hộ chiếm tỷ lệ 75% hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân, gia đình. Kết quả là đã góp phần giảm 50 % số người tảo hôn so với cùng kỳ năm 2023. Số phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Lý A Dình, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa bảo: Phát huy vai trò người có uy tín trong thôn, vừa qua, tôi đã cùng Ban quản lý thôn, già làng, Trưởng thôn tuyên truyền, vận động được một hộ dân trong thôn không cho con gái đi lấy chồng sớm khi chưa đủ tuổi. 

Hiện nay, thôn đã đưa các nội dung cụ thể về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" vào quy ước, hương ước của thôn, bản để thực hiện.

Sa Pa: Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phòng Dân tộc Sa Pa.

Bà Hầu Thị Say, thôn Chu Lìn, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa (Lào Cai) tâm sự: Tôi luôn nhắc nhở các con của gia đình tôi phải đủ tuổi thì mới lấy chồng, lấy vợ. Đồng thời, không sinh con thứ 3, chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Lập gia đình sớm, sinh nhiều con thì khó khăn, vất vả lắm.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thời gian tới, thị xã Sa Pa tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã bằng nhiều hình thức; phát huy cao vai trò của các hội, các đoàn thể, người cao tuổi, người có uy tín như già làng, trưởng bản, trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, thay đổi hành vi, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.

Đưa nội dung tuyên truyền pháp Luật về hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh Dân số, Luật bình đẳng giới vào các buổi sinh hoạt tổ nhóm, câu lạc bộ của các Chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, chương trình ngoại khóa tại các trường THCS...


Mùa Xuân