Video: Những kết quả đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa (Lào Cai).
Để triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, thị xã Sa Pa đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thị xã Sa Pa, giai đoạn 2021-2025 được thành lập, thay thế Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Ban Chỉ đạo thị xã đã tổ chức Hội nghị tổng theo năm, triển khai các nhiệm vụ chủ yếu đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ đạo xây dựng dự thảo quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo thị xã.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, Ban Quản lý cấp xã và các Ban Phát triển thôn, đảm bảo việc quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Cùng với đó, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì phối hợp với các xã rà soát các danh mục công trình, xác định tính khả thi, phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đề xuất với UBND tỉnh giao danh mục chuẩn bị đầu tư.
Công tác chỉ đạo xây dựng danh mục chuẩn bị đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được các cấp ngành từ thị xã đến cơ sở chỉ đạo quyết liệt, công tác lập và triển khai kế hoạch được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ ngay từ các thôn, bản.
Ngoài tập trung phân bổ nguồn vốn, giao danh mục dự án và các tiểu dự án thành phần cho các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường làm chủ đầu tư triển khai thực hiện theo từng lĩnh vực; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động, phân bổ, sử dụng, lồng ghép nguồn lực: Huy động tối đa các nguồn lực, nguồn vốn, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn thị xã.
Đặc biệt là tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động nhân dân được triển khai sâu rộng trong các buổi họp, đối thoại, tiếp xúc cử tri của các cấp, các ngành; tuyên truyền các văn bản trên hệ thống phát thanh, truyền hình của thị xã và trên hệ thống loa phát thanh cấp xã, các thôn, các buổi họp thôn, tổ dân phố…
Phát huy lợi thế trên địa bàn các xã, phường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tích cực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển...
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Tả Van, thị xã Sa Pa chia sẻ: Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ người dân như xoá nhà tạm, phát triển sản xuất... đã góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống.
Năm 2024, xã Tả Van được hỗ trợ làm mới, sửa chữa 73 ngôi nhà để đảm bảo theo tiêu chí 3 cứng. Ngoài những ngôi nhà thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ, xã Tả Van cũng kêu gọi được 70 tấn xi măng, 200 m3 cát, 1.000 viên ngói để giúp người dân sửa chữa nhà ở khang trang hơn.
Ông Châu A Tung, Trưởng thôn Chu Lìn 2, xã Trung Trải, thị xã Sa Pa bảo: Đối với các hộ dân của thôn được hỗ trợ xoá nhà tạm, bà con rất phấn khởi. Bởi trước đây, ngoài được hỗ trợ nhà ở, bà con còn được cán bộ xã tạo điều kiện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư.
Hiện nay, thôn Chu Lìn 2 đang tuyên truyền, vận động bà con đăng ký thực hiện mô hình trồng rau và lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện để được hỗ trợ tec chứa nước từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thị xã Sa Pa là 164.183 triệu đồng (Vốn chuyển tiếp từ năm 2023 là 12.947 triệu đồng; kế hoạch vốn năm 2024 là 151.236 triệu đồng). Đến nay, UBND thị xã Sa Pa đã phân bổ chi tiết được 91.288 triệu đồng/164.183 triệu đồng đạt 56%.
Từ nguốn vồn này, thị xã Sa Pa đã triển khai hỗ trợ đầu tư duy tu bảo dưỡng, xây dựng mới các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu giao thông, thuỷ lợi, trường học... phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 19 công trình có tổng chiều dài 53,4km. Dự kiến đến hết 30/12/2024 sẽ hoàn thành 22 công trình, chiều dài 60km.
Bên cạnh đó, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thị xã Sa Pa đã thực hiện xây dựng clip ngắn quảng bá về lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, xã Hoàng Liên và Lễ hội quét làng của người dân tộc Xa Phó, xã Liên Minh.
Tổ chức 2 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao ở xã Tả Phìn, với sự tham gia học của 60 học viên; truyền dạy kỹ năng làm trống dân tộc Dao tại xã Tả Phìn cho 60 học viên; bảo tồn nhạc cụ truyền thống đàn tính của người dân tộc Tày, xã Mường Bo; ra mắt đội văn nghệ truyền thống dân tộc...
Đồng thời tích cực triển khai các hoạt động sức khỏe người cao tuổi, thực hiện sàng lọc sơ sinh, thực hành dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời, mua 500 gói đỡ đẻ sạch, chăm sóc 447 ca sau sinh, thực hiện khám sức khỏe dưới 2 tuổi, tổ chức xong 2 lớp tập huấn, truyền thông tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, làm mẹ an toàn. Tổ chức triển khai 2 lớp tập huấn trang bị kỹ năng lồng ghép giới trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cho bà con dân...
Ông Nguyễn Hữu Quang, Trưởng phòng Dân tộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Trên cơ sở các dự án, tiểu dự án theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thị xã Sa Pa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường tổ chức triển khai, thực hiện đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của tỉnh.
Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng kết nối các vùng cùng phát triển.
Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Trưởng phòng Dân tộc thị xã Sa Pa (Lào Cai) chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm do còn vướng mắc rất nhiều về cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể cho các nội dung. Cơ chế, điều kiện hỗ trợ còn bó hẹp, thiếu sự thống nhất, cũng như nhu cầu thực tế của người dân thường xuyên thay đổi.
Nhiều nội dung, dự án không triển khai thực hiện được phải điều chỉnh nhiều lần, như dự án sắp xếp dân cư xen ghép, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…
Do đó, thời gian tới, thị xã Sa Pa đề xuất về điều chỉnh, hoàn thiện nội dung các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, về: mục tiêu, phạm vi, đối tượng thụ hưởng, các hoạt động, các đầu ra, cơ chế thực hiện, định mức, ngân sách, phân công, phân cấp quản lý và thực hiện…
Dự kiến đối tượng và nguồn lực đối với từng dự án, tiểu dự án, nội dung, hoạt động của Chương trình giai đoạn 2026-2030.