dd/mm/yyyy

Nương chè xanh mướt thay thế cây thuốc phiện ở Hố Mít

Hố Mít xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Uyên (Lai Châu). Từ khi thực hiện xóa bỏ cây thuốc phiện, xã Hố Mít đang có sự vươn lên mạnh mẽ...

Xã vùng cao "lột xác" nhờ từ bỏ cây thuốc phiện

Từ quốc lộ 32 vào xã Hố Mít  - vùng đất từng trồng nhiều cây thuốc phiện trước đây, đã không còn cảnh suối cắt, núi ngăn nữa. Con đường bê tông phẳng lì uốn lượn theo triền núi dẫn thẳng vào các bản. Bà con người Mông đã tự sắm xe máy chở nông sản xuống chợ huyện bán dễ dàng. Xứ miệt rừng ngày trước đang có sự chuyển biến. Nó không chỉ đến từ điện đường, trường trạm mà sự thay đổi tích cực đến từ cách làm, nếp nghĩ của bà con người Mông nơi đây. Thay vì trông chờ, ỉ lại vào sự cứu đói, hỗ trợ từ Nhà nước, người Mông đã trồng cây ăn quả, trồng chè để có thêm thu nhập. Đường vào Hố Mít phủ xanh bởi các nương chè uốn lượn cung mây.

Xã Hố Mít có 8 bản, đa phần là người dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây đã từng coi cây hoa anh túc là nguồn thu nhập chính. Khi ấy ở bản cao, quanh năm mây phủ, nương thuốc phiện kéo dài tới tận chân núi. Bà con người Mông chăm sóc cây thuốc phiện như cây lương thực. Của nhà trồng được, nên ở bản người Mông, khói thuốc phiện vương vít trong những căn nhà gỗ thấp thâm nâu. Bao trai bản đã bị nàng tiên nâu làm cho u mê. Cái nương, cái rẫy bị bỏ không có người chăm sóc. Mỗi khi bản có công việc ma chay, hay cưới xin là bàn đèn được ngả ra như người ở dưới xuôi hút thuốc lào vậy. Bao năm trôi qua, người Mông ở đất này mãi chưa tìm được con đường sáng để đi.

Nương chè xanh mướt thay thế cây thuốc phiện ở Hố Mít  - Ảnh 1.

Người dân ở bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã dần ổn định cuộc sống. Từ khi xóa bỏ cây thuốc phiện, trong mỗi nếp nhà người Mông nơi đây đã và đang thay đổi từng ngày.

Thế rồi, cơ hội để người Mông dứt tình với cây thuốc phiện cũng đã đến. Đầu năm 1990, Nhà nước vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện để chuyển sang trồng cây lương thực. Bà con người Mông nơi đây như tỉnh mộng, đầu tiên là các trưởng bản, rồi Đảng viên gương mẫu cai nghiện và xóa bỏ cây thuốc phiện. Theo đó, bà con trong bản lần lượt thực hiện theo. Nói là bỏ cây thuốc phiện, chứ nó còn dai dẳng suốt cả chục năm, người Mông mới đoạn tuyệt được với quá khứ đau thương. Ông Thào A Sinh, Bí Thư Đảng ủy xã Hố Mít vẫn còn nhớ rõ những năm tháng khó nhọc đó. Bản trên, bản dưới, họp hết lần này đến lần khác. Người ý kiến ra, người ý kiến vào, nhưng tựu chung lại, bà con vẫn đồng lòng xóa bỏ cây thuốc phiện.

Nương chè xanh mướt thay thế cây thuốc phiện ở Hố Mít  - Ảnh 2.

Bà con người Mông ở Hố Mít đã đoạn tuyệt với cây thuốc phiện.

Câu chuyện đó đã diễn ra cách đây 30 năm rồi. Giờ đây, bà con người Mông nơi đây đã đồng lòng xóa bỏ hủ tục, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã Hố Mít đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 8/8 bản của xã đã có đường bê tông và trường học được xây dựng kiên cố. "Để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền, UB MTTQ, các tổ chức đoàn thể xã tiếp tục huy động các tiềm năng, nội lực của địa phương, huy động sức dân, đặc biệt là sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục đầu tư, nâng cấp xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn; duy trì giữ vững các tiêu chí, đồng thời phát huy và nâng cao chất lượng từng tiêu chí nông thôn mới", ông Sinh cho biết. 

 Xa rồi những mùa hoa anh túc

Khi điện, đường, trường, trạm ở xã Hố Mít được xây dựng cũng là lúc bà con người Mông ở các bản cao bàn đến chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu như những năm trước đây bà con chỉ trồng ngô, trồng lúa để giải quyết khâu lương thực tại chỗ cho các gia đình, giờ đây người Mông còn biết trồng cây chè, cây mắc ca, trồng cỏ voi để nuôi trâu, nuôi bò.

Nương chè xanh mướt thay thế cây thuốc phiện ở Hố Mít  - Ảnh 3.

Nương chè xanh mướt ở xã Hố Mít. Bà con người Mông đã biết trồng chè để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây chè đã và đang mang lại cho bà con người Mông ở Hố Mít khoản thu nhập không nhỏ.

Đến bản Suối Lĩnh mới cảm nhận được hành trình vươn lên trong cuộc sống của bà con người Mông nơi đây. Bên cạnh màu xanh đơn sắc của rừng già, dưới chân núi là những đồi chè được bà con người Mông kì công tạo dựng. Ông Giàng A Vả, Trưởng bản Suối Lĩnh không giấu được niềm vui khi nói tới sự thay đổi căn bản trong mỗi nếp nhà người Mông: "Ngày trước, bà con trồng cây để phục vụ mình là chính. Những ngày tự cung, tự cấp đó giờ không còn. Bà con đã biết làm hàng hóa để đổi lấy lương thực. Suỗi Lĩnh nằm trên độ cao 1000m, nên khi bà con đưa cây chè vào trồng. Nó phát triển rất tốt. Thu nhập từ cây chè cũng mang lại cho bà con khoản thu nhập không nhỏ".

Bà con thay đổi nhận thức trong nếp nghĩ và cách làm cũng là lúc chính quyền địa phương mạnh dạn đưa cây trồng mới vào sản xuất. Xã Hố Mít đã đưa cây chè, mắc ca, dược liệu vào trồng theo quy hoạch tại các bản. Riêng cây chè đã bén rễ đất này được 6 năm . Năm 2016 có sự vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cùng các đoàn thể huyện trong công tác vận động, tuyên truyền và đưa cây giống vào hỗ trợ bà con trồng gần 34ha chè.

Nương chè xanh mướt thay thế cây thuốc phiện ở Hố Mít  - Ảnh 4.

Con đường bê tông nối liền các bản của xã Hố Mít.

Từ những diện tích chè đầu tiên ở Hố Mít, đến nay, nhiều bản của bà con người Mông cũng đã tham gia trồng chè. Đến nay, tổng diện tích chè của xã Hố Mít đã trồng được trên 100ha. Bà con được cán bộ kĩ thuật xuống tận bản để hướng dẫn kĩ thuật cũng như cách thu hái chè. Một tin vui đến với bà con người Mông ở Hố Mít là đầu ra cho cây chè đã có doanh nghiệp thu mua với giá ổn định.

Bản Khau Giềng, xã Hố Mít là đơn vị trồng chè sớm nhất xã. Chị em người Mông đã có kinh nghiệm chăm sóc cây chè, nên đời sống gia đình được cải tiện. Gia đình chị Giàng Thị Dùng trồng được 5,000m2 chè. Vườn chè phát triển tốt, hiện vườn chè này đã cho thu hoạch. Những năm trước đây, trên diện tích này, chị Dùng trồng sắn, trồng ngô, sản lượng lương thực thu lại chẳng được bao nhiêu. Từ khi mạnh dạn chuyển sang trồng cây chè, chị Dùng vừa đỡ vất vả lại có khoản thu thường xuyên. 

Nương chè xanh mướt thay thế cây thuốc phiện ở Hố Mít  - Ảnh 5.

Ngoài trồng chè, bà con người Mông ở Hố Mít còn nuôi dê, nuôi bò.

Theo chị Dùng, năm 2016, được cán bộ xã, huyện về tuyên truyền, vận động trồng chè thay cho cây ngô, sắn trên đất đồi cạnh bản, dân bản phân vân vì đây là cây trồng mới, nếu không hiệu quả chắc chắn chịu cảnh thiếu đói. Trước khi trồng chè, chị còn được xã đưa đi  thăm quan mô hình trồng chè ở thị trấn Tân Uyên, xã Trung Đồng và thăm Nhà máy chế biến chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. "Thấy được hiệu quả của cây chè, tôi đã mạnh dạn vận động gia đình trồng chè. Hơn nữa, những bỡ ngỡ ban đầu về chăm sóc cây chè đã được cán bộ kĩ thuật hướng dẫn cụ thể. Từ việc bón phân, làm cỏ, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, cây chè, tôi đã làm thạo. Nhờ vậy mà sau mỗi năm, sản lượng chè không ngừng tăng lên", chị Dùng cho biết.

Xã Hố Mít đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới: Tổng sản lượng cây có hạt đạt 2.089 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 630 kg; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,09 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,96%; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; xóa 23/23 hộ nhà tạm, dột nát nâng tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định là 89,3%; số lao động có việc làm 1.851/2.021 lao động. 


Thuần Việt