Clip: Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Sơn La
Nâng cao chất lượng nông nghiệp
Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có chất lượng.
Với HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) hiện có 100 ha nhãn, để nâng cao chất lượng, năng xuất của vườn nhãn, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.
Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX cho biết: Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã giúp các thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đã được ghép, cải tạo nên năng suất, chất lượng hơn hẳn giống địa phương trước đây.
Đặc biệt, thương hiệu nhãn ghép của HTX sau khi được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng đã có mặt tại các thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn. Đến nay, HTX đã có có hơn 80 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Còn đối với HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) có 11 thành viên, với 28,5 ha trồng cây ăn quả các loại, gồm: Cam đường canh, quýt Thái, bưởi diễn, bưởi da xanh, cam Vinh. Trong hoạt động sản xuất, các thành viên HTX đều tuân thủ việc chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, có sổ nhật ký ghi chi tiết từ khâu bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, cho biết: Hiện nay, sản phẩm quả của HTX đã được các cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận VietGAP, đồng thời gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường. Việc xây dựng sản phẩm OCOP được gắn liền với xây dựng thương hiệu trái cây của HTX. Do đó, từ năm 2020 đến nay, các sản phẩm quả, nhất là quýt ngọt của HTX đều có giá trị cao, được khách hàng ưa chuộng nên không phụ thuộc vào biến động của thị trường.
Hằng năm, sản lượng đạt 80 tấn quả, chưa đủ để cung cấp cho các bạn hàng truyền thống. Do vậy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây quýt ngọt kết hợp với sản xuất theo hướng hữu cơ. Tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị của quýt ngọt, từ đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh.
Đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng nông nghiệp
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2022 của Sơn La tăng trung bình 11.6%/năm. Năm 2022, Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 4.667 tỷ đồng tăng 11,3% so với năm 2022 (mục tiêu đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng).
Giai đoạn 2021-2023 đã tăng cường thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, cấp chủ trương đầu tư mới cho 05 dự án đầu tư. Giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân trên 8%/năm. Năm 2022 giá trị hàng hoá nông sản tham gia xuất khẩu đạt 149,63 triệu USD, chiếm 91,7% giá trị nông sản thực phẩm tham gia xuất khẩu năm 2022. Đến nay Sơn La đã chứng nhận được 110 sản phẩm (trong đó có 01 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia; 48 sản phẩm 4 sao và 61 sản phẩm 3 sao).
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, để phát triển ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng địa phương,từng loại cây trồng, vật nuôi. Phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh;chế biến công nghệ cao.
Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Hình thành hệ thống logistic nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác,liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.
Đổi mới và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân theo hướng tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Với nhưng giải pháp đồng bộ, đến nay nay các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã được tiêu thu ở nhiều thị trường lớn trong vào ngoài nước. Sơn La đã chứng nhận được 110 sản phẩm (trong đó có 01 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia; 48 sản phẩm 4 sao và 61 sản phẩm 3 sao). Từ những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo của địa phương.