Không để ma túy xâm nhập vào bản
Nhiều năm trước đây, xã Huổi Một, (Sông Mã, Sơn La) từng là một trong những địa bàn trọng điểm về ma túy của tỉnh Sơn La. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt lực lượng Công an trong đấu tranh, triệt phá các điểm, tụ điểm, đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý và triển khai, thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Đến nay, xã Huổi Một đã khống chế thành công tệ nạn ma túy; nhiều bản đạt tiêu chuẩn "4 không" về ma tuý, đời sống của người dân nơi vùng cao này đang từng bước đổi thay. Trong đó bản Co Kiểng, xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La) với phần lớn là người đồng bào dân tộc Thái, từ nhiều cách làm sáng tạo, sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban quản lý bản, nhiều năm liền đã giữ vững danh hiệu bản "4 không" về ma tuý.
Tại những buổi sinh hoạt thường niên của bản, người dân cùng trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ nhau về những khó khăn trong cuộc sống; phối hợp với lực lượng Công an, ban ngành đoàn thể tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho con em trong bản; tuyên truyền về tác hại của ma tuý, để từ đó giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác. Tổ chức cho hội viên, người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về ma túy.
Ông Vì Văn Minh, Bí thư chi bộ bản Co Kiểng, xã Huổi Một, (Sông Mã, Sơn La) chia sẻ: Ban Quản lý bản tổ chức họp tuyên truyền phòng chống ma tuý với sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Chúng tôi cũng đã tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, các hộ gia đình cũng đã chấp hành tốt theo mọi chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước. Người dân hiểu được rõ về tác hại của ma tuý cũng đã thường xuyên tuyên truyền cho con cháu nâng cao nhận thức về tác hại của ma tuý, vì vậy bản chúng tôi từ năm 2017 đến nay không có con em nào vi phạm về ma tuý.
Để công tác đấu tranh phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao, Ban Quản lý bản đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tích cực phát giác, tố giác tệ nạn và tội phạm về ma túy; quy ước, hương ước của bản có quy định về việc xử phạt những người tái trồng cây thuốc phiện, đồng thời tăng cường giám sát quản lý, hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng đối với người tái hoà nhập cộng đồng để họ có thể ổn định được cuộc sống, không tái nghiện. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, sự đồng lòng của người dân, đến nay bản Co Kiểng, xã Huổi Một đã duy trì bền vững 6 năm đạt danh hiệu bản "4 không" về ma túy.
"Chúng tôi đã bàn và đưa ra nghị quyết, kế hoạch theo chi uỷ, chi bộ giao cho tổ an ninh bản và 5 khối đoàn thể thực hiện tuyên truyền về ma tuý, đưa bổ sung vào quy ước, hương ước của bản hàng năm là nếu trường hợp người dân nào vi phạm sẽ phạt tiền bằng số tiền Nhà nước hỗ trợ bản 4 không về ma tuý là 5 triệu đồng. Ngoài ra các tổ Liên gia tự quả (LGTQ) tổ chức tuyên truyền, quản lý trong nhóm để làm tốt trong nhóm của mình và được các nhóm LGTQ hưởng ứng nhiệt tình" - ông Minh nói.
Đại uý, Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Công an xã Huổi Một, (Sông Mã, Sơn La) cho biết thêm: "Lực lượng Công an thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội của xã, ban quản lý bản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tổ chức tố giác, phát giác đối với những đối tượng, những người có biểu hiện sử dụng chất ma tuý hay liên quan đến ma tuý, qua đó rà soát xác minh.
Công tác này cũng được quần chúng nhân dân bản Co Kiểng hết sức ủng hộ, hàng năm cũng cung cấp thông tin cho lực lượng Công an xã để kịp thời xác minh, những tin này cũng rất giá trị. Lực lượng Công an xã đã thường xuyên duy trì, hướng dẫn mô hình tự quản về ANTT, trong đó có tổ ANND, nhóm LGTQ. Hàng năm lực lượng Công an xã đã kiểm tra, hướng dẫn lực lượng này để trực tiếp giải quyết, nắm tình hình ngay tại cơ sở.
Anh Quàng Văn Chiển ở bản Co Kiểng, xã Huổi Một, (Sông Ma, Sơn La) từng bị cuốn vào cơn lốc ma túy, "thân tàn, ma dại", của cải trong nhà lần lượt "đội nón" ra đi, mỗi lúc cơn nghiện đến trong đầu chỉ nghĩ là lấy đâu được tiền đi mua ma túy về dùng. Nhờ Ban Quản lý bản, lực lượng Công an và chính quyền xã tuyên truyền, động viên, giúp đỡ, anh đã cai nghiện thành công và tu chí làm ăn. Anh tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình. Với nguồn vốn được hỗ trợ ban đầu, anh xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi, đào ao thả cá, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
"Tôi mắc nghiện từ năm 2011, khoảng thời gian ấy không làm ăn, giúp đỡ được gì cho gia đình, trong nhà có gì tôi trộm đem bán lấy tiền mua ma tuý để sử dụng hết. Sau khi được lực lượng Công an đưa đi cai nghiện thành công trở về, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền xã cho vay vốn làm ăn, lực lượng công an động viên tôi đã cùng gia đình đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi… giờ thu nhập của gia đình tôi cũng ổn định hơn, con cái được đi học đầy đủ, từ nay tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để lo cho vợ con và phát triển kinh tế gia đình", anh Chiến nói.
Nhân rộng mô hình bản bền vững "4 không" về ma tuý
Nói về công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường hợp tái hoà nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, ông Nguyễn Chí Phúc, Bí thư Đảng uỷ xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La) cho biết: Các đối tượng đi cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tập trung sau khi kết thúc đợt cai nghiện, Đảng ủy cũng đã lãnh đạo Ủy ban xây dựng kế hoạch và có những đề xuất với cả cấp trên vượt thẩm quyền để tổ chức các lớp học nghề để tạo sinh kế cho người tái hòa nhập cộng đồng để cơ sở đó người ta có việc làm cụ thể về tạo thu nhập và nuôi sống được bản thân từng bước tránh được trạng tiếp tục vấp vào các tệ nạn xã hội sau khi tái hòa nhập.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Vũ Việt Cường, Trưởng Công an huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Từ mô hình bản Co Kiểng trên địa bàn huyện Sông Mã, đây là một trong những mô hình điển hình của Nhóm liên gia tự quản, các nhóm hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới Công an huyện Sông Mã cũng sẽ tập trung tham mưu để nhân rộng mô hình của bản Co Kiểng ra các tổ, bản trên địa bàn toàn huyện Sông Mã.
Để làm tốt việc này, Công an huyện Sông Mã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, ban ngành các kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo đến các xã, thị trấn, đặc biệt đến các bản, tiểu khu, tổ dân phố để thứ nhất là thực hiện tốt đề án 135 của Tỉnh Sơn La về chuyển hóa địa bàn xã, thị trấn không có ma túy giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Công an huyện Sơn Mã tập trung tố giác, phát giác người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, đặc biệt là số tội phạm liên quan ma túy trên địa bàn giao cho lực lượng Công an cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức đấu tranh, tham mưu để giải quyết tốt từ cơ sở; nhân rộng mô hình, phát động phong trào Vì an ninh Tổ quốc tại cơ sở để làm sao mỗi người dân nhận thức được tệ nạn ma túy, tác hại như thế nào để từ gia đình, cộng đồng bản đến các cơ quan trường học nhận thức rõ nội dung này để tuyên truyền, vận động người dân không mắc vào tệ nạn ma túy.
Từ khi không còn ma túy, Tình hình An ninh chính trị – Trật tự ATXH trên địa bàn luôn được giữ vững, người dân yên tâm lao động sản xuất. Bộ mặt bản vùng cao Co Kiểng của xã Huổi Một đã có những chuyển biến đáng kể… Những ngôi nhà tạm trước đây đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây mới khang trang… đời sống nhân dân từng bước nâng nâng cao, góp phần đưa Huổi Một trở thành điểm sáng, một điển hình trong phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh.